Lãi suất tiết kiệm “rẻ”, ngân hàng “đổ” tiền tỷ tung chiêu hút khách
Với lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay trước những áp lực lạm phát, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây.
Lãi suất tiết kiệm "rẻ", tăng trưởng tiền gửi tiếp tục giảm trong năm 2022
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, tăng trưởng tiết kiệm giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm.
Theo thống kê của SSI, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư.
Cụ thể, tăng trưởng huy động khu vực dân cư chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020 khi môi trường lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp trong lịch sử.
Tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại TCTD. (Nguồn: SBV)
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư tại thời điểm cuối tháng 9/2021 tiếp tục giảm 2.500 tỷ đồng trong tháng 8, tháng 9, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng,
Với kết quả này, tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 2,9% kể từ đầu năm đến nay - mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi giai đoạn 2012 – 2021.
Rõ ràng, lãi suất tiết kiệm thấp đang khiến cho kênh gửi tiền tiết kiệm mất dần đi tính hấp dẫn. Các chuyên gia SSI cho rằng, trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Đồng quan điểm, trong báo cáo cập nhật của BSC về ngành ngân hàng vừa phát hành dự báo, tăng trưởng tiền gửi năm 2021 toàn ngành ước khoảng 9,9% - thấp hơn so với mức tăng trưởng 13% của tín dụng. Trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, tăng trưởng tiền gửi luôn duy trì ở mức cao hơn so với tăng trưởng của tín dụng.
Điều đáng nói, tăng trưởng tiền gửi được dự báo tiếp tục giảm xuống chỉ còn 8% trong năm 2022, trong khi đó tăng trưởng tín dụng của năm này có thể lên tới 14%.
Nguồn: BSC
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia cho rằng, gửi tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, với mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ phải đối mặt với rủi ro lạm phát năm 2022, nếu mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thấp sẽ khiến cho dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, bất động sản hay kim loại quý.
"Bất động sản và vàng là 2 kênh đầu tư sẽ được người dân, nhà đầu tư ưu ái hơn khi áp lực lạm phát tăng cao, đặc biệt là vàng. Bởi tâm lý của người Việt Nam từ trước đến nay, vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất. Biểu hiện gần đây cũng phần nào cho thấy điều đó, khi giá vàng trong nước lần lượt thiết lập các mức cao mới, có thời điểm lên tới trên 62 triệu đồng/lượng", chuyên gia tài chính tại Học viện Ngân hàng nói với PV Dân Việt.
Người dân "chán" ngân hàng vì lãi suất tiết kiệm rẻ, ưu tiên các kênh đầu tư sinh lời cao khi lạm phát tăng. (Ảnh: CTG)
Các ngân hàng ứng phó thế nào?
Trước việc tiền gửi mất đi sức hấp dẫn với người dân, trong khi nhu cầu vay vốn được dự báo tăng trưởng lên tới 13 – 14% trong năm 2021 – 2022, một số nhà băng rục rịch triển khai nhiều giải pháp "trúng" tâm lý người gửi tiền, để hút khách như tặng tiền vào tài khoản, tặng quà bằng hiện vật, quay số trúng thưởng hoặc đưa ra các đặc quyền hấp dẫn khác.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Đơn cử như tại OCB, từ nay đến hết 10/12/2021, khách hàng khi đến gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch OCB sẽ nhận ngay quà tặng tiền mặt hoặc hiện vật như: Quạt cầm tay, Máy vắt cam, Xửng hấp, Máy xay cầm tay. Tổng giá trị quà tặng lên đến 1,5 tỷ đồng.
Tương tự, HDBank thông báo từ nay đến 07/01/2022 triển khai chương trình ưu đãi "5 giây gửi tiền – Trúng tiền trăm triệu". Khi gửi tiết kiệm online từ 1 triệu đồng (với kỳ hạn 1 tháng trở lên) qua Internet Banking hoặc App HDBank, khách hàng sẽ được cấp mã số dự thưởng tham gia quay số cuối kỳ để có cơ hội trúng các giải thưởng hấp dẫn. Giải Đặc biệt là sổ tiết kiệm trị giá lên đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, khách hàng toàn quốc còn có cơ hội nhận được 2 giải Nhất - sổ tiết kiệm 50 triệu đồng/giải, 5 giải Nhì - sổ tiết kiệm 10 triệu đồng/giải.
Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, "ông lớn" ngân hàng quốc doanh VietinBank cũng nhập duộc khi nhà băng này triển khai chương trình khuyến mại "Đặc quyền ưu tiên - Gửi tiền ưu đãi".
Theo đó, khách hàng phổ thông, trung lưu khi gửi tiền tiết kiệm từ 500 triệu đồng và đăng ký dịch vụ Gói tài khoản thanh toán (TKTT) dành riêng cho KHƯT - Premium Account sẽ được nhận ngay ưu đãi quà tặng là tiền chuyển khoản vào TKTT lên đến 1.500.000 đồng; đồng thời được ghi nhận trở thành KHƯT tại VietinBank. Tổng trị giá chương trình khuyến mại này lên tới hơn 3,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm "nhân đôi" ưu đãi, VietinBank còn có quà tặng khi khách hàng gửi tiết kiệm giới thiệu cho bạn bè, người thân, đối tác… gửi tiền tiết kiệm tại VietinBank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận