Lãi suất tiết kiệm có thể tăng mạnh từ nửa cuối năm 2024
Do nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chững lại và tín dụng dần cải thiện, nên không ít ngân hàng đã tái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để chuẩn bị thanh khoản.
Tiền gửi tiết kiệm giảm
Từ đầu tháng 4 đến nay, có đến 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Nguyên nhân kéo lãi suất tăng là lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chậm lại.
Thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện nay xuống mức khá thấp 1,6 - 5%/năm, khiến tiền nhàn rỗi quay đầu. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi của cá nhân, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng tháng 1/2024 sụt giảm mạnh. Lãi suất thấp là nguyên nhân khiến lượng tiền vào ngân hàng sụt giảm.
Theo đó, trong tháng 1/2024, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm 2,41%, còn 6,676 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi vào ngân hàng của các cá nhân sụt giảm 34.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 0,53%, còn 6,498 triệu tỷ đồng.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất, tiêu dùng.
Các dữ liệu trước Covid-19 cho thấy, tín dụng thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm, nên ngân hàng chuẩn bị tốt thanh khoản.
Lãi suất tăng 0,5-1%
UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital dự báo, áp lực tỷ giá có thể khiến NHNN nâng lãi suất điều hành thêm 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới.
Theo ông Tuấn, bước sang quý II/2024, các biến động về ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, lãi suất và các động thái của NHNN sẽ là yếu tố cần phải theo dõi. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá mất giá gần 5%, đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý I/2024.
Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, còn lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” hiện nay và duy trì ở mức “thấp”.
Đối với bối cảnh kinh tế thế giới, nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề lạm phát và chính sách tiền tệ giữa các nước lớn. Lạm phát có thể khó trở lại vùng 2% và nhiều khả năng duy trì ở mức 3,3-4%. Trong khi châu Âu có thể cắt lãi suất sớm và mạnh hơn, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng thận trọng hơn trong khả năng cũng như số lần cắt lãi suất năm 2024.
Theo Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú, chỉ tiêu lãi suất là vấn đề quan trọng, phức tạp đòi hỏi điều hành hợp lý, bởi lãi suất quan hệ với tất cả chính sách khác, đặc biệt là tỷ giá. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN là tạo điều kiện hạ lãi suất, nhưng phải phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và vẫn phải được kiểm soát lạm phát.
Lãnh đạo NHNN cho biết, hiện tại và thời gian tới, lãi suất điều hành của NHNN chưa được điều chỉnh tăng hay giảm, mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, nhà điều hành khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thực tế thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặt bằng lãi suất đã giảm, song sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu do thể trạng doanh nghiệp yếu đi, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của người cho vay và người đi vay, do vậy, về lâu dài, cần hạ thấp lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận