Lãi suất tiết kiệm chạm 'đáy', dòng tiền vẫn khó 'quay lưng' với ngân hàng?
Mặc dù lãi suất tiết kiệm chạm “đáy”, xuống mức thấp nhất 5-5,3% cho kỳ hạn 12 tháng, song người dân vẫn khó "quay lưng" với ngân hàng trong bối cảnh thị trường hiện nay khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản...) còn ảm đạm.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến 30/9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng.
Còn theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.
Trước đó, NHNN cho biết, tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 4,6% so với đầu năm.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng hơn 429.000 tỷ đồng). Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp.
Trước đó, từ tháng 3 - 6/2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm. Số liệu mới nhất của NHNN đưa ra cũng cho thấy, tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 12.900 nghìn tỷ đồng, trong khi đó vào thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động là 7,68%.
Tuy nhiên, nhận định được đưa ra từ giới phân tích tài chính - kinh tế cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó, sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm đến 3-4% so với thời điểm đỉnh cao trong quý III và IV/2022 và thực tế thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trong thời gian vừa qua, nên không loại trừ tiền chảy qua chứng khoán.
Song với dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thì rất khó để tăng trưởng bền vững, vì dòng tiền vào chứng khoán là dòng tiền “đầu cơ” trong ngắn hạn, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn mua cổ phiếu trong 4-5 năm để hưởng cổ tức mà chỉ đầu cơ trong ngắn hạn.
Thứ hai là trong thời gian thị trường chứng khoán tăng vừa qua, khối ngoại bán ròng, một phần do họ đã mua vào ở mức giá thấp trước đó và chêch lệch lãi suất giữa VND và USD không còn xa như trước. Điều này cũng tạo áp lực lên tỷ giá trong thời gian gần đây.
Không chỉ chứng khoán mà ngay cả thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, với thị trường bất động sản thì khi nào nhà đầu tư chốt lời từ thị trường chứng khoán mới chuyển vốn qua bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Huân, lượng tiền chảy qua cả chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự, do đó các ngân hàng “thừa” tiền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận