Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm nhiệt trước Tết Nguyên đán
Như mọi năm, trước Tết Nguyên đán thường là thời điểm mọi người có nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu cuối năm hơn là gửi tiền tiết kiệm. Mặc dù vậy, một số ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân thay vì tăng lãi suất để thu hút khách hàng.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 28/01/2021, NCB (NVB) giảm từ 0.1 – 0.3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống còn 3.8%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 6.25%/năm. Giảm mạnh nhất 0.3 điểm phần trăm là lãi suất kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn 6.6%/năm.
Bac A Bank (BAB) cũng giảm nhẹ 0.1 – 0.2 điềm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 25/01/2021. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm còn 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6.5%/năm và trên 12 tháng còn 6.7%/năm.
Ngân hàng Bản Việt (BVB) cũng giảm 0.3 – 0.4 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm từ ngày 25/01/2021. Lãi suất kỳ hạn từ 6 -9 tháng chỉ còn 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6.3%/năm.
Tại ngày 03/02 mới đây, SHB giảm từ 0.2 – 0.3 điềm phần trăm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5.6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank (VCB) giảm nhẹ 0.1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn so với kỳ trước. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng còn 3.2%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 3.8%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 5.5%/năm.
Ở chiều ngược lại, MB (MBB) là nhà băng tăng 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3.5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3.8%/năm và 36 tháng tăng lên 6.6%/năm.
Techcombank (TCB) cũng tăng nhẹ 0.1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 4.5%/năm lên 4.6%/năm đối với khách hàng thường, dưới 50 tuổi cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, từ ngày 01/02/2021.
Tính đến ngày 06/02/2021, ngoại trừ SCB áp dụng mức lãi suất tiền gửi 7.3%/năm đối với khoản tiền trên 500 tỷ đồng, thì kỳ hạn 12 tháng, Eximbank (EIB) là nhà băng áp dụng lãi suất cao nhất 7.2%/năm. Kế đó là Kienlongbank (KLB) với 6.9%/năm và NCB áp dụng 6.6%/năm.
Còn ở kỳ hạn 6 tháng, NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất 6.25%/năm, sau đó là KLB với 6.2%/năm và Nam A Bank (NAB) với 6.1%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 06/02/2020
Về lãi suất cho vay, tùy hình thức vay thế chấp hay tín chấp mà các ngân hàng áp dụng các mức lãi suất khác nhau, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay không thay đổi nhiều.
Lãi suất vay thế chấp tại các ngân hàng hiện nay dao động từ 10-16%/năm, tùy vào tài sản đảm bảo và sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Ví dụ như tại BIDV khách hàng sẽ được vay thế chấp với lãi suất từ 6.6-7.8%/năm, hạn mức lên đến 100% tài sản đảm bảo và có đến 5 gói lãi suất. Tại MSB, lãi suất cho vay chỉ 6.99%/năm nhưng hạn mức vay chỉ tối đa 90% tài sản đảm bảo...
Một số ngân hàng cũng liên tục tung ra các gói miễn, giảm lãi suất vay ưu đãi với các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất huy động, cắt giảm lãi vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong Báo cáo triển vọng vĩ mô 2021 của KBSV, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh.
Thứ ba, lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Năm 2021, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ duy trì trạng thái nới lỏng nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận