Lãi suất ở Mỹ sẽ quay đầu từ tháng sau?
Từ các số liệu khởi sắc của kinh tế Mỹ được công bố trong tháng 8, giới phân tích gần như chắc chắn rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9.
Thị trường và giới phân tích đang kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong tháng 9, giúp tạo thêm xung lực cho nền kinh tế không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu.
Fed khả năng bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9
Trong giai đoạn mở cửa sau đại dịch COVID-19, lạm phát quay trở lại là mối đe dọa số 1 đối với kinh tế Mỹ. Lạm phát đã vượt mức có thể chấp nhận được là 2% lần đầu tiên vào tháng 3-2021 và cao đỉnh điểm vào tháng 6-2022, ở mức 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ.
Điều này buộc Fed phải can thiệp kiềm chế bằng cách tăng lãi suất liên tục từ tháng 3-2022. Từ tháng 7-2023 tới nay, lãi suất được giữ ở 5,25%-5,5%, mức cao nhất kể từ quý II-2001.
Đến tháng 7, chỉ số lạm phát ở Mỹ được kiềm giảm xuống mức 2,9%, mức thấp nhất kể từ sau tháng 3-2021 và thấp hơn mức dự báo trước đó là 3%.
Đã có những dự đoán rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất ngay trong thời điểm Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) họp hôm 31-7. Tuy nhiên, thời điểm đó Fed đánh giá “triển vọng kinh tế là không chắc chắn”, do đó, vẫn giữ nguyên lãi suất. Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell lưu ý rằng nếu lạm phát giảm nhanh hoặc theo đúng kỳ vọng, “việc cắt giảm lãi suất có thể được đưa ra thảo luận tại kỳ họp tháng 9”.
Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell. Ảnh: REUTERS
Các báo cáo kinh tế được công bố đầu tháng 8 đang cho phép giới đầu tư và các chuyên gia kỳ vọng Fed sẽ sớm được công bố hạ lãi suất.
Trong quý II, quy mô nền kinh tế Mỹ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý II là 2,8%, cao gấp đôi con số 1,4% của quý I. Đây là mức tăng cao hơn dự báo.
Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 7 tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên 4,3%, song vẫn được coi là tương đối thấp. Tín hiệu tốt là tỉ lệ thất nghiệp tăng không đi kèm với các chỉ dấu suy thoái khác như thay đổi trong lợi suất trái phiếu.
Giới phân tích tin rằng Fed sẽ công bố hạ lãi suất trong kỳ họp FOMC ngày 17 và 18-9 tới. Câu hỏi còn lại là mức giảm là bao nhiêu và lộ trình giảm sẽ như thế nào.
Các ngân hàng Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley, cũng như công cụ theo dõi FedWatch thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính CME (Mỹ), dự đoán rằng Fed hạ lãi suất 0,25% trong tháng 9.
Đa số chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất từ từ, bắt đầu từ tháng 9. Hầu hết dự đoán lãi suất sẽ giảm đều đặn 0,25% sau mỗi kỳ họp FOMC, về mức 4,5% đến 4,75% vào cuối năm nay. Một số chuyên gia dự đoán rằng lãi suất có thể giảm hơn 1% ngay trong năm 2024.
Kinh tế Mỹ đang hướng tới "hạ cánh mềm"
Đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ, ông Raphael Bostic - Chủ tịch chi nhánh Fed tại TP Atlanta (bang Georgia, Mỹ) nhận định rằng thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ có vẻ khá lành mạnh. Ông Bostic kỳ vọng một đợt “hạ cánh mềm”, khi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% mà không xảy ra suy thoái.
Cựu Chủ tịch chi nhánh Fed tại TP St. Louis (bang Missouri, Mỹ) - ông James Bullard cũng đồng quan điểm này. Theo ông Bullard, hiện kinh tế Mỹ đang chứng kiến tất cả những chỉ dấu của một đợt “hạ cánh mềm”: tăng trưởng kinh tế ở mức tiềm năng, thị trường việc làm đang cân bằng khá tốt và lạm phát không quá xa mục tiêu.
Cựu Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis (bang Missouri, Mỹ) - ông James Bullard. Ảnh: BLOOMBERG
Fed dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm 2024. Tuy nhiên, theo nhận định của hơn 100 chuyên gia được hãng tin Reuters khảo sát, mức tăng trưởng trung bình lên tới 2,5%. Động lực tăng trưởng quanh mức này được kỳ vọng sẽ được duy trì tới năm 2027.
Hãng dịch vụ tài chính J.P. Morgan dự báo lạm phát cơ bản ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2024 trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng dù có chậm lại và thị trường việc làm trở nên cân bằng hơn.
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính Barclays - ông Jonathan Millar nhận định thị trường việc làm Mỹ đang trong giai đoạn ổn định, dù tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng thêm khoảng 1/10 so với mức hiện tại song sẽ không gây ra vấn đề lớn.
Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ hiện ở mức 20%, giảm so với dự báo 25% được công bố nửa tháng trước đó và còn có thể giảm sâu hơn nữa, theo đài CNBC.
Các nhân viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 20-8. Ảnh: BLOOMBERG
Với các chỉ số khởi sắc và các dự báo lạc quan này, việc Fed hạ lãi suất từ tháng 9 nếu diễn ra, kinh tế Mỹ sẽ được tiếp thêm xung lực.
Lãi suất thấp hơn kích thích chi tiêu của người tiêu dùng. Lãi suất thấp hơn có thể giúp các công ty tăng vay, giảm chi phí nợ, từ đó tăng năng lực đầu tư vào sản xuất, vào các dự án mới, nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, thường phải cần ít nhất một năm để việc thay đổi lãi suất cho thấy tác động đến nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường phản ứng nhanh hơn nhiều. Ngay từ thời điểm Fed công khai biên bản kỳ họp FOMC tháng 7 với thông tin có khả năng hạ lãi suất, một loạt chỉ số như Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 (Mỹ), FTSE 100 (Anh), DAX 30 (Đức) hay CAC 40 (Pháp) đều tăng điểm.
Cựu lãnh đạo Fed dự báo triển vọng kinh tế thế giới
Nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu, cựu Chủ tịch chi nhánh Fed tại TP St. Louis (bang Missouri, Mỹ) - ông James Bullard nhận định tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp hơn ở Mỹ và ngày càng gắn chặt vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nền kinh tế châu lục này cũng tiếp tục chịu ảnh hưởng chiến sự tại Ukraine.
Trung Quốc được nhận xét là không còn tăng trưởng nhanh như trước và đối mặt vấn đề cơ bản trong thị trường bất động sản.
Ông Bullard cũng cảnh báo rằng thị trường toàn cầu sẽ hứng chịu nhiều biến động xuất phát từ những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và xu hướng bảo hộ thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận