Lãi suất như nào để ngân hàng và doanh nghiệp cùng có lợi
Dự tính việc giảm lãi suất trong năm nay sẽ khiến 4 ngân hàng có vốn nhà nước giảm lợi nhuận khoảng 24.700 tỷ đồng: Vietcombank và BIDV mỗi ngân hàng giảm khoảng 6.100 tỷ đồng; Agribank giảm 6.500 tỷ đồng và VietinBank giảm 6.000 tỷ đồng.
Thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, thời gian tới, cần xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao dẫn đến nợ xấu tăng, ngân hàng cũng không được lợi. Vì vậy, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi nhuận ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp.
Dự tính việc giảm lãi suất trong năm nay sẽ khiến 4 ngân hàng có vốn nhà nước giảm lợi nhuận khoảng 24.700 tỷ đồng: Vietcombank và BIDV mỗi ngân hàng giảm khoảng 6.100 tỷ đồng; Agribank giảm 6.500 tỷ đồng và VietinBank giảm 6.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, mong muốn của doanh nghiệp đã được các ngân hàng hiện thực hóa khi đồng thuận giảm từ 0,5 - 3% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo tính toán của các chuyên gia và ngân hàng, việc giảm lãi suất sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng. Hiệp hội Ngân hàng ước tính, lợi nhuận các nhà băng sẽ giảm 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực tính sơ bộ, nếu giảm lãi suất cho vay 1% đối với dư nợ hiện hữu (khoảng 9,6 triệu tỷ đồng) thì lợi nhuận ngân hàng có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng (thời gian giảm lãi suất áp dụng từ nay đến hết năm 2021).
"Lợi nhuận cả năm 2020 của toàn ngành ngân hàng là khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 90.000 tỷ đồng, tương đương với một nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2021, ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận tương đương với mức giảm khoảng 45.000 tỷ đồng", ông Lực phân tích.
Còn theo dự tính của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), nếu lập tức giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm nay của các ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu so với việc phải giảm vài chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất với việc giữ nguyên tăng trưởng lợi nhuận nhưng nợ xấu sẽ gia tăng thì việc giảm lợi nhuận sẽ có lợi hơn cho ngân hàng.
“Nếu doanh nghiệp vẫn không được hưởng lãi suất thấp thì sẽ vẫn khó khăn, dẫn đến nợ xấu càng tăng, như thế ngân hàng cũng không được lợi. Mặt khác, nếu không giảm lãi suất, ngân hàng cũng khó cho vay, ách tắc vốn. Vì thế, ngân hàng cần tìm dự án, doanh nghiệp có thể cho vay với lãi suất giảm. Như vậy, hai bên đều có lợi”, ông Cường nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận