Lãi suất nhấp nhổm tăng, nỗi lo “bẫy thanh khoản” có trở lại?
Dòng tiền tiết kiệm có xu hướng “chạy” khỏi ngân hàng, cộng với cơn sốt vàng, tỷ giá, khiến ngày càng nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động.
Nỗi lo tiền chảy ra khỏi ngân hàng
Tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có khoảng chục ngân hàng tăng lãi suất huy động. Riêng thứ Sáu tuần qua (ngày 19/4), đã có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm VPBank, Bac A Bank và GPBank. Trước đó, một loạt ngân hàng khác như VietinBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, KienLongBank… cũng tăng lãi suất huy động.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, tính đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy vậy, việc lãi suất huy động đảo chiều từ đầu tháng 4/2024 cho thấy, lãi suất đã chạm đáy và đang bắt đầu bật lên trước nhiều áp lực. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, lãi suất đang trong xu hướng đảo chiều tăng trở lại.
“Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng MB nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động là do thời gian qua, tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục, trong khi nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối… sốt xình xịch, khiến người dân chuyển một phần tiền gửi sang vàng, USD. Một lượng lớn tiền gửi đáo hạn cũng chảy sang kênh đầu tư khác, mà không quay trở lại ngân hàng, khiến ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm trở lại.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu lãi suất không đảm bảo thực dương thì tiền gửi sẽ chảy ra khỏi ngân hàng. Với lạm phát như hiện nay, khả năng các nhà băng hạ lãi suất huy động thêm nữa là không thể. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm vì giá vốn của các ngân hàng thời gian qua đã hạ nhiệt đáng kể.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023, trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Tín dụng - ở chiều ngược lại, tăng 1,34% tính tới ngày 29/3.
Tiền gửi chậm lại, khiến nỗi lo “bẫy thanh khoản” quay trở lại. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động quá thấp (lãi suất huy động nhiều kỳ hạn hiện nay đang thực âm) sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Khi đó, ngân hàng sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản, điều này lại càng đáng lo trong bối cảnh tín dụng phục hồi. Theo tính toán của ông Nghĩa, với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên
Ngoài tiền gửi chậm lại, lãi suất còn chịu nhiều áp lực khi tỷ giá sốt nóng. Theo Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.
Tương tự, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.
Mức tăng lãi suất sẽ không nhiều
Dù lãi suất đang nhấp nhổm tăng, song theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều, dù khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, khả năng tăng lãi suất tùy thuộc rất nhiều vào sức hấp thụ vốn cũng như nhiều yếu tố khác, đặc biệt là tỷ giá. Hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn khá thấp (tín dụng tới ngày 29/3 tăng 1,34%), chưa gây áp lực lên thanh khoản. Dù tỷ giá đang “ép” lãi suất đi lên, song với động thái bán ngoại tệ can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước, có thể tỷ giá sẽ nguội bớt trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng thương mại cho hay, hiện nay, người dân có xu hướng tăng gửi kỳ hạn ngắn, chờ đợi lãi suất tăng mới gửi kỳ hạn dài. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm hạ lãi suất, tín dụng ấm lên, làn sóng tăng lãi suất sẽ càng lan rộng. Thêm vào đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng sẽ “hâm nóng” lãi suất.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu thị trường bất động sản hồi phục, lãi suất khó hạ nhiệt thêm nữa, kể cả lãi suất huy động và cho vay.
Mặc dù lãi suất huy động đã chạm đáy, song các chuyên gia ngân hàng nhận định, lãi suất cho vay vẫn có thể hạ thêm nữa, do giá vốn đầu vào của các ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian qua.
Trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này chưa có ý định điều chỉnh lãi suất điều hành năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận