Lãi suất ngân hàng giảm đi kèm rủi ro
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc giảm lãi này có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế...
Mặc dù, dư địa giảm thêm lãi suất của các ngân hàng vẫn còn, bởi 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng dồn dập công bố lãi khủng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn được sử dụng phần lợi nhuận có được để tăng vốn điều lệ để ứng phó với những nguy cơ rủi ro trong tương lai.
Theo ông đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp. Bản thân các ngân hàng đã rút ra được rất nhiều bài học trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, do đó đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn vốn.
Vị chuyên gia này lý giải điều kiện để các ngân hàng giảm lãi hỗ trợ doanh nghiệp là nhờ tỷ lệ vốn không kỳ hạn tăng thêm, chi phí giảm xuống, vốn điều lệ được bổ sung đảm bảo hệ số CAR.
Tuy vậy, khả năng ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay là rất khó xảy ra. Thực tế, năm 2020, dù NHNN nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm ở mức nhất định, tập trung vào một số gói tín dụng ưu đãi, chứ không giảm đồng loạt. Hơn nữa, các nhà băng cũng cho rằng, việc giảm lãi cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp. Hiện tỷ lệ nợ trung và dài hạn tại các ngân hàng lên tới 40%.
“Do trước đây các khoản vay này đều có lãi suất cao, nên tới khi giảm lãi suất, bắt buộc phải thực hiện giảm từng bước (giảm dần) để đảm bảo tỷ lệ đủ bù đắp chi phí của tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói và nhấn mạnh mong muốn của ngân hàng là thu đủ gốc và lãi đủ bù đắp chi phí và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý.
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất bao giờ cũng tỷ lệ với rủi ro. Rủi ro cao thì lãi suất cao và ngược lại. Thực tế có rất nhiều khoản vay lãi suất rất thấp, chỉ 4%, thậm chí 3,5%. Đó là với những khách hàng truyền thống, khách hàng có tiềm lực kinh tế, minh bạch tài chính, có luồng tiền đảm bảo, hay nói đơn giản là độ tín nhiệm cao.
Ngược lại, cũng có những món vay lãi suất 9 - 11% vẫn tồn tại. Một số khoản dư nợ vay từ trước, nhất là các khoản vay trung dài hạn khi chưa đến kỳ trả nợ thì ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất đó. Nhưng đến hạn thì ngân hàng mới tính toán cụ thể với khách hàng. Nên nếu cứ nhìn đúng theo hợp đồng, đúng là một số khoản vay lãi suất vẫn cao nhưng thực tế trả nợ thì không hẳn như vậy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận