Lãi suất huy động ngân hàng tư nhân vượt 10%/năm, tiền vẫn đổ vào "ông lớn" quốc doanh
Lãi suất huy động đang trở nên nóng hơn kể từ giữa tháng 8 đến nay, khi hàng loạt chương trình huy động vốn với lãi suất cao đã được nhiều ngân hàng triển khai để thu hút tiền gửi. Mức lãi suất cao nhất hiện nay đã vượt 10%/năm đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi tại Viet Capital Bank. Dù vậy, thống kê cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn đổ vào 4 ông lớn quốc doanh.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND các ngày gần đây liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Thậm chí có ngân hàng đã huy động lãi suất lên tới hơn 10%/năm.
Lãi suất huy động vượt 10%/năm
Được xem là ngân hàng luôn có mức lãi suất tiết kiệm dẫn đầu ngành ngân hàng, ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) luôn gia tăng tiện ích cho người gửi tiền. Đáng chú ý mới đây, nhà băng này đã triển khai kế hoạch phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất lên đến 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Đợt phát hành này khách hàng có thể hưởng mức lãi suất lên tới 10% mỗi năm cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền đầu tư từ 100 triệu đồng. Khách hàng lĩnh lãi 6 tháng 1 lần, lãi suất tiền gửi Ngân hàng Bản Việt áp dụng 9,7%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng đến 48 tháng, lãi suất dao động 9,5-10%/năm.
Cách đây không lâu, VIB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất trên 9,1%/năm.
LienVietPostBank cũng có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 đến 1%/năm).
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi chạm mốc 10%/năm
Cùng trong "làn sóng" tăng lãi suất huy động, từ giữa tháng 8/2019, SHB đã công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, với kỳ hạn 6 tháng khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất là 7,8%/năm. Còn ở các kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng, 13 tháng, mức lãi suất tối đa khách hàng được nhận lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. Ngoài ra, nhà băng này từng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất đến 8,9%/năm với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng.
Hay như tại VPBank, ngân hàng này cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng, với mức lãi suất cộng thêm từ 0,1 - 0,2%/năm so với biểu lãi suất quy định. Một ngân hàng khác là OCB cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó kỳ hạn 36 tháng được điều chỉnh tăng lên 8%/năm cao hơn 0,3%/năm so với trước đó...
Ngày 20/8, ABBank phát đi thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm, 12 tháng 8,5%/năm, mức tăng lần lượt là 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.
Một số ngân hàng nhỏ hơn như BacABank, NCB khách hàng gửi tiết kiệm sẽ được hưởng mức lãi suất từ 7,5% đến 8%/năm.
Nhập cuộc trong cuôc đua lãi suất, hai "ông lớn" trên thị trường là BIDV và VietinBank cũng niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó. Đây cũng là lần hiếm hoi mà hai ngân hàng này tăng lãi suất với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trước đó, BIDV từ tháng 3/2019 cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi.
Gần 50% lượng tiền gửi “đổ về” 4 ngân hàng quốc doanh
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6/2019, tổng phương tiện thanh toán đạt 9,86 triệu tỷ đồng, tăng 7,11% so thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, tổng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt 8,23 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 8,23 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 5,01%, đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư tăng mạnh hơn (7,96%) lên hơn 4,72 triệu tỷ.
Theo báo cáo tài chính của ngành ngân hàng, cuối tháng 6, tổng số tiền gửi của khách hàng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) đạt hơn 3,95 triệu tỷ đồng. Con số này đang chiếm tới 48% tiền gửi của cả hệ thống TCTD.
Trong đó, Agribank đang là quán quân về số tiền gửi của khách hàng, đạt hơn 1,177 triệu tỷ đồng. Theo sau lần lượt là BIDV, Vietcombank, VietinBank với gần 1,06 triệu tỷ, hơn 870 nghìn tỷ và hơn 846 nghìn tỷ.
Trong khi đó, ngân hàng tư nhân có thị phần tiền gửi lớn nhất là SCB với tỷ trọng 5,1%, tức chỉ bằng một nửa so với VietinBank.
Ngày 26/8, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo NHNN, thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh tăng lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm huy động vốn, chương trình tiền gửi ưu đãi, tiết kiệm online, phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Cơ quan quản lý cho rằng, “Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.”, công văn cảnh báo. NHNN khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận