Lãi suất huy động liên tục tăng và lên sát 9%/năm, lãi suất cho vay sẽ ở mức nào?
Gần đây các ngân hàng đã liên tục tăng lãi suất huy động. Mức 9% cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Giữa bối cảnh đó, người đi vay có thể phải làm quen dần với chi phí vốn không dưới 10%.
Các ngân hàng cập nhật loạt lãi suất cơ sở mới
Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi, sau thông báo nâng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới. Mức lãi suất trên 10% cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Theo đó, lãi suất cơ sở tại ACB đã tăng 0,5 điểm phần trăm so với đầu tháng này, lên mức 8%/năm. SeABank cũng có động thái nâng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân từ 9,4% lên 9,6%.
Đáng chú ý, TPBank đã có lần thứ hai trong tháng 10 nâng lãi suất cơ sở. Bên cạnh đó, mức lãi suất trên 10% cũng đã bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân ngày kỳ hạn 1 tháng đang niêm yết ở mức 9,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm (đpt) so với tháng trước; kỳ hạn 3 tháng ở mức 10,1%, tăng 1,2 đpt; các khoản vay 6 tháng đến dưới 1 năm lãi suất cơ sở là 10,2%, tăng 1,2 đpt; kỳ hạn trên 1 năm lãi suất cơ sở đang được niêm yết 10,6%, tăng 1,1 đpt.
Tại Eximbank, biểu lãi suất cơ sở cho vay hiện đang dao động trong khoảng 7,8 - 9,9%. ABBank ghi nhận lãi suất cơ sở cho vay khách hàng ở mức 9,8%/năm.
Một số ngân hàng lớn như Sacombank, lãi suất cơ sở hiện đang dao động trong khoảng 6 - 8,3%/năm, tùy kỳ hạn. Tại VPBank, đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân, lãi suất cơ sở thấp nhất là 8,6%/năm dành cho kỳ hạn 1 tháng (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) và cao nhất là 10,6%/năm dành cho kỳ hạn trên 5 năm đến 10 năm (kỳ điều chỉnh lãi 3 tháng).
Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3 - 4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN.
Áp lực lớn với người đi vay
Theo ông Ngô Thành Huấn, giám đốc khối tài chính cá nhân, công ty tư vấn và quản lý tài sản FIDT, trước áp lực của tỷ giá và bài toán kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà Nước buộc phải đẩy nhanh việc thu hẹp chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhanh hơn. Mặt bằng lãi suất huy động ở các NHTM nhìn chung đã tăng khoảng 200 - 250 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.
Khi lãi suất đầu vào tăng, đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng sẽ nâng lên và để đảm bảo được lợi nhuận, lãi suất cho vay cũng theo đà đó mà tăng lên. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng vào cuối năm thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm (cầu cao hơn), trong khi room tín dụng không còn quá thoải mái (cung bị hạn chế), mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có thêm không ít áp lực.
“Theo khảo sát của chúng tôi, thời điểm đầu 2022, các gói lãi suất ưu đãi cho vay trung dài hạn đối với doanh nghiệp và cả cá nhân mua bất động sản vẫn còn quanh mức 8 - 9%. Đến nay, mức lãi suất dưới 10% cho các gói này đã tạm thời vắng mặt trên thị trường tín dụng. Thay vào đó, người đi vay buộc phải sắp xếp tài chính và làm quen với các con số 11 - 13%/ năm. Có một tình trạng đáng lưu ý đó là dù lãi suất đã cao, song người đi vay vẫn đang mòn mỏi chờ hở room để chen vào”, ông Huấn nhận định.
Khó khăn không chỉ xuất hiện đối với những người vay mới. Theo chia sẻ của anh Mạc Anh Quân, ngụ tại TP.HCM, cuối năm 2020 anh có vay ngân hàng một khoản 2,2 tỷ đồng để mua một căn hộ ở khu vực nội thành, lãi suất ưu đãi năm đầu chỉ 5,6%/năm. Đến nay, thời gian ưu đãi đã hết, bước vào giai đoạn thả nổi, cộng thêm tình hình lãi suất liên tục tăng, anh đang rất lo lắng trong việc làm sao đảm bảo khoản vay đúng hạn.
Vợ chồng chị Thu Lan ngụ tại quận 4, TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự. Sau một năm hưởng lãi suất ưu đãi, giờ đây mức lãi suất thả nổi cho khoản vay mua nhà của anh chị đang gần 13%/năm. Cả hai đã phải tăng ca thường xuyên hơn không chỉ để đảm bảo khoản vay mà còn cả sinh hoạt trong gia đình.
“Dù mình vẫn đang đảm bảo được tiến độ khoản vay, nhưng lãi suất cứ tăng thế này vợ chồng mình sẽ phải vất vả hơn nhiều. Thời gian đầu năm khi lãi mới bắt đầu tăng, chỉ có chồng mình phải tăng ca, đến nay cả mình cũng phải làm thêm ngoài giờ để đảm bảo sinh hoạt cho gia đình”, chị Lan chia sẻ.
Theo dự báo của công ty chứng khoán VNDirect, sang năm 2023, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 40-50 điểm cơ bản, kéo lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM lên mức 6,8 - 7%/năm (mức bình quân) vào cuối năm sau. Đà tăng của lãi suất huy động có thể đẩy lãi suất cho vay tăng 60 - 100 điểm cơ bản trong năm tới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận