Lãi suất huy động không ngừng tăng, phản ánh sự thiếu hụt cung - cầu thị trường
Theo chuyên gia, hiện tượng các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất trong thời gian qua phản ánh tính thị trường, sự thiếu hụt cung - cầu về thanh khoản. Đây là cảnh báo sớm để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp định hướng về lãi suất cơ bản, từ đó tác động lãi suất huy động của các ngân hàng và lãi suất cho vay đầu ra.
Xu hướng tăng lãi suất kéo dài
Theo ghi nhận của Lao Động, những ngày qua, biểu lãi suất ngân hàng liên tục sôi động khi việc tăng lãi suất xuất hiện liên tục ở các ngân hàng. Mặc dù chưa đến giữa tháng 5 nhưng thị trường ghi nhận 13 ngân hàng tăng lãi suất.
Nổi bật như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ban hành biểu lãi suất tiền gửi mới, ghi nhận tăng đáng kể 0,2-0,5 điểm % tại tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank) cũng niêm yết tăng lãi suất tiền gửi với mức tăng khoảng 0,2 điểm % tại tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi, tăng mạnh 0,2-0,5 điểm % tại tất cả các kỳ hạn.
Tính cả các ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 3, đến nay đã có hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm.
Báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng huy động tiền gửi ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như: Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.
Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM - phân tích, lãi suất huy động tăng lên và giảm xuống bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nhu cầu thanh khoản của từng ngân hàng, nhu cầu thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng và lãi suất huy động cao hay thấp, có hấp dẫn người dân, tổ chức kinh tế gửi tiền hay không.
"Lượng tiền huy động từ dân cư sẽ giảm xuống, khi đó, ngân hàng sẽ điều chỉnh chiến lược huy động vốn, trong đó có việc tăng lãi suất huy động. Nếu chỉ có 1 ngân hàng tăng lãi suất hoặc thậm chí việc tăng lãi suất xuất hiện ở các ngân hàng nhỏ, thì sẽ chưa có sự ảnh hưởng lớn nhưng nếu các ngân hàng có mức thị phần lớn, hoặc có sự ảnh hưởng lớn trong hệ thống ngân hàng đồng loạt có động thái tăng lãi suất thì có thể thấy nhu cầu thanh khoản tại các ngân hàng gia tăng, việc thu hút tiền gửi để đáp ứng chiến lược đầu tư, kinh doanh của ngân hàng.
Hiện tượng các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất trong thời gian qua phản ánh tính thị trường, sự thiếu hụt cung - cầu về thanh khoản. Đây là cảnh báo sớm để NHNN có giải pháp định hướng về lãi suất cơ bản, từ đó tác động lãi suất huy động của các ngân hàng và lãi suất cho vay đầu ra. Hiện chúng ta đang giữ mục tiêu ổn định lãi suất cho vay đầu ra để hỗ trợ cho nền kinh tế vì vậy chúng ta cần phải giữ vững mục tiêu này" - TS Linh nói.
Lãi suất tiết kiệm có thể tăng đến mức nào?
Trong báo cáo phân tích mới đây công bố của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm phân tích nhận định mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục phục hồi trong những tháng tới. Mức tăng có thể từ 0,5-1 điểm % tùy từng kỳ hạn, từng ngân hàng. Tại Chứng khoán Vietcombank, nhóm phân tích cũng cho rằng, mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 0,5 - 1 điểm % khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB - cũng nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận