Lãi suất đã hạ nhiệt trên thị trường liên ngân hàng
Sau khi có hai tuần tăng khá mạnh, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm trở lại ở hầu hết các kỳ hạn.
Báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research vừa công bố cho thấy, trong tuần trước, nghiệp vụ thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay đều không phát sinh giao dịch mới. Thanh khoản trong hệ thống đã phần nào ổn định trở lại hơn sau 2 tuần gặp nhiều căng thẳng. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 10,54 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn trong tuần này.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt khi kỳ hạn qua đếm kết thúc tuần ngày 7/1 xuống còn 1,16% (giảm 41 điểm cơ bản). Các kỳ hạn còn lại giảm 12 – 20 điểm cơ bản, dao động trong khoảng 1,55% đến 2,29%.
Diễn biến lãi suất thị trường 2 được dự báo sẽ gặp nhiều biến động khó lường trong tháng 1, khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bên cạnh viêc hỗ trợ thông qua hoạt động OMO, NHNN có thể bơm thanh khoản gián tiếp thông qua hoạt động mua ngoại tệ, khi đây là tháng cao điểm kiều hối dồn về tạo cung ngoại tệ lớn.
Kết quả cuộc Điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD tháng 12/2021 cho thấy các TCTD kỳ vọng nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện trong quý 1/2022 và cả năm 2022, trong đó nhóm ngành chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất phân phối điện và xây dựng là 5 lĩnh vực có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm 2022, phù hợp với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.
SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022 - tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra. NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm
Tâm điểm thị trường tài chính trong tuần qua là biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, với thông điệp mang hàm ý chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Cụ thể, lạm phát tăng cao có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý trong biên bản lần này là Fed có thể sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản sau khi bắt đầu tăng lãi suất. Theo kết quả khảo sát FedWatch của CME Group, xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng 3 tới tăng lên hơn 70%.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm 25 điểm cơ bản, kết tuần ở 1,76% - mức cao nhất kể từ sau dịch bệnh xuất hiện. Đồng USD cũng đã bật tăng mạnh sau thông báo của Fed, trước khi giảm nhiệt trở lại vào phiên giao dịch ngày thứ 6 trước thông tin không mấy tích cực về thị trường lao động Mỹ. Các đồng tiền chủ chốt hầu như di ngang trong tuần, trong khi đồng tiền các quốc gia mới nổi giảm mạnh như RUB -1,44%, THB -0,75%, MYR -1,02%,…
Tại Việt Nam, trái ngược với diễn biến mất giá của các đồng tiền mới nổi, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và niêm yết tại các NHTM tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, khi chỉ còn VND 22.706 đồng/USD, giảm 0,53% so với tuần trước. Tỷ giá niêm yết tại VCB là 22.560 - 22.870 VND (mua vào – bán ra), giảm 50 đồng ở chiều mua vào bán ra. Như vậy, đồng VND gần như đã quay trở lại mức trước tháng 12.
Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 20 đồng trong tuần qua, kết tuần ở 23.490 - 23.530 VND (mua vào – bán ra).
Theo chuyên gia, về cơ bản, đồng VND vẫn cho thấy sức mạnh của mình thông qua nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực. Cán cân thương mại ước tính thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong năm 2021, trong khi giải ngân FDI đạt 19,7 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận