Lãi suất cho vay Việt Nam đã thấp hơn nhiều nước, dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỷ USD
Theo số liệu của IMF tháng 1/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Mông Cổ, Banglades…
Lãi suất sẽ còn giảm tiếp, tín dụng tăng trở lại
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm từ cuối năm 2019 theo xu hướng chung của thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid – 19, NHNN giảm sâu lãi suất điều hành từ 0,25-1%/năm. So với cuối năm 2019, hiện lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm 0,5%/năm, chỉ còn 5,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực khác cũng được nhiều ngân hàng giảm đồng loạt, mức giảm phổ biến 2-3%/năm.
Theo số liệu của IMF tháng 1/2020, lãi vay của Việt Nam hiện ở mức 7,7&/năm và tương đương với mức cho vay của Philippines, thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonessia (10,08%), Mông Cổ (16,81%), Bangladesh (9,66%).
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn cho các Tổ chức tín dụng”, Thống đốc cho biết.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đánh giá ban đầu của NHNN, đã có 2 triệu tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng bỏi Covid – 19 (chiếm 23% tổng dư nợ). Tuy nhiên, nhờ các biện pháp giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới… với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 nên sau khi chững lại 2 tháng đầu năm, tín dụng đã lấy lại nhịp độ tăng trưởng trong tháng 3/2020. Tính đến hết tháng 3, tín dụng toàn hệ thống tăng 1,3%, trong đó riêng tháng 3/2020 tín dụng tăng 1,1%. Dự kiến cả năm nay, ngành ngân hàng sẽ cho vay nền kinh tế 900.000 – 1,1 triệu tỷ đồng tín dụng (tăng trưởng 11-14%), đáp ứng mọi nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Mua thêm 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tỷ giá vẫn ổn định
Theo số liệu được NHNN công bố, tính đến thời điểm hiện tại dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục: 84 tỷ USD. Như vậy, so với cuối năm 2019, NHNN đã mua thêm 4 tỷ USD ngoại hối dự trữ trong 3 tháng đầu năm. Đây là điều bất ngờ vì từ đầu năm đến nay, USD trên thế giới biến động rất mạnh nhưng NHNN không chỉ chưa phải tung dự trữ ngoại hối ra can thiệp, thậm chí còn mua vào nhưng tỷ giá trong nước cũng chỉ biến động 1,3-1,5%. Trong khi đó, nhiều đồng nội tệ các quốc gia trên thế giới những tháng đầu năm nay phải điều chỉnh tới 5-7%.
Thống đốc khẳng định, thời gian qua, NHNN đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến trong nước và quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá được duy trì ổn định, mức biến động chỉ 1,3-15%, thấp hơn rất nhiều so với biến động của khu vực và thế giới. Đặc biệt, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống được ổn định và tất cả nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng.
“Chúng tôi tin rằng, NHNN hoàn toàn có đủ công cụ, năng lực để ổn định tỷ giá, nhất là với dự trữ ngoại hối hiện nay lên tới 84 tỷ USD. NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá nếu thị trường có diễn biến bất ngờ, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chúng ta vẫn chưa phải can thiệp”, Thống đốc khẳng định.
Trong thời gian tới, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục tập trung điều hành chính sách chủ động, linh hoạt hơn nữa để tạo nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, bởi đây chính là yếu tố then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Đây cũng là nền tảng then chốt để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh hơn sau dịch bệnh.
Dự trữ ngoại hối vững mạnh, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cũng là yếu tố khiến nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao Việt Nam. Trong báo cáo mới đây, Fitch Ratings cho biết giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia với Việt Nam, chỉ điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín dụng cho nợ dài hạn bằng ngoại tệ xuống mức ổn định từ mức tích cực trước đó, do tác động của Covid – 19.
Theo lý giải của Fitch, việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia, xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn ở mức “ổn định” của Fitch phản ánh triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong trung hạn, thời gian ổn định vĩ mô được kéo dài kỷ lục, nợ chính phủ thấp hơn và khả năng tài chính tốt hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển, đặc biệt là có nguồn dự trữ ngoại tệ tốt được tích lũy từ nhiều năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận