Lại một tiếng kêu từ người trồng cà phê
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, từ lâu nhiều nhà vườn trồng cà phê tại Tây Nguyên, vùng rốn sản xuất cà phê của Việt Nam, đã phải theo câu tục ngữ cha ông truyền lại mới mong tồn tại.
Tất cả các nước sản xuất đều phải kinh doanh cà phê theo sóng nhấp nhô của các sàn phái sinh, không loại trừ nước nào. Đồ thị moit.gov.vn.
Trong vòng tám năm tính từ tháng 5-2011, lúc đó giá cà phê nội địa chạm mức cao lịch sử ở 50 triệu đồng mỗi tấn, thì đến tháng 5-2019, chỉ còn trên dưới 30 triệu đồng. Những người sản xuất truyền thống đã trồng cà phê từ bốn năm chục năm, từng “có ăn có chịu” thì không phải bàn, nhưng đối với ai thấy giá tăng rồi nhảy vào đầu tư, bắt đầu trồng cà phê, thì mức 30 triệu đồng được cho là dưới giá thành do vốn đầu tư cao.
Chính vì vậy khi loại “vàng nâu” này mất giá, đã không ít nhà vườn phải đốn hạ một phần hay toàn bộ diện tích cà phê để chuyển sang trồng các cây thay thế như bơ, mít, hồ tiêu, sầu riêng... để đảm bảo sinh kế gia đình. Phải chăng nhờ tài xoay xở ấy của người trồng cà phê nên họ ít lên tiếng nhờ “giải cứu” như trường hợp của một số người sản xuất nông sản khác: chuối, cà chua, khoai tím...?
Thật ra, chẳng mấy ai sản xuất cà phê chuyên nghiệp muốn giá cả cứ bập bênh lên xuống như thế. Ngặt một điều là tất cả các nước sản xuất đều phải kinh doanh cà phê theo sóng nhấp nhô của các sàn phái sinh, không loại trừ nước nào.
Giá cà phê tại các nước sản xuất hầu như phụ thuộc vào giá kỳ hạn tại các sàn giao dịch tài chính phái sinh nên nhiều người có cảm tưởng không có các sàn này thì cà phê tại các nước sản xuất không bán được. Chứng minh cho điều ấy, chỉ cần lấy mức đỉnh và đáy cùng thời điểm của giá cà phê nội địa như đã nói trên, thì giá sàn kỳ hạn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam dùng làm tham chiếu, cũng ở đỉnh là 2.611 và đáy là 1.267 đô la Mỹ mỗi tấn, còn sàn arabica New York thì giá ở đỉnh là 306,25 và đáy là 86,35 xu/cân Anh (cts/lb), hay 6.752 và 1.904 đô la Mỹ mỗi tấn. Như vậy, sau tám năm, giá cà phê arabica mất trên 3,5 lần và giá cà phê robusta giảm hơn một nửa!
Dù đến nay giá cà phê trên hai thị trường phái sinh đã có phục hồi nhưng còn rất khiêm tốn, giá robusta dưới 1.500 đô la và giá arabica quanh 2.500 đô la mỗi tấn (đóng cửa ngày 3-7-2019).
Đó vẫn là những mức ngoài sức chịu đựng của nhiều nước sản xuất cà phê và có nguy cơ nông dân bỏ nghề, bỏ vườn để tìm kế sinh nhai khác. Chính vì thế, vào ngày 2-7 vừa qua, tại hội nghị về thương mại công bằng ở Bonn (CHLB Đức), ông Roberto Vélez, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân cà phê Colombia, lại phải lên tiếng để kêu gọi “công bằng” cho nông dân cà phê của quốc gia ở Nam Mỹ này.
Ông cho rằng giá arabica chế biến ướt Colombia phải bán ở mức 2 cts/lb hay chừng 4.400 đô la mỗi tấn thì nông dân mới có đường sống. Một số nhà vườn cà phê Colombia cho rằng giá thành sản xuất cà phê arabica chế biến ướt của họ đã xấp xỉ trên 4.000 đô la mỗi tấn, theo hãng tin Reuters. Do giá thấp, ông Vélez cho hay nông dân Colombia đã chặt bỏ 400.000 héc ta cà phê và nay chỉ còn 880.000 héc ta với 540.000 gia đình sống nhờ cây cà phê.
Vào tháng 2-2019, ông Roberto Vélez cũng đã từng khẩn cầu sàn giao dịch arabica New York “nhìn xuống” nông dân một chút khi giá trên sàn này còn ở mức 88 cts/lb, đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp không nên dùng giá công bố từ các sàn phái sinh cà phê để làm tham chiếu cho giá cà phê xuất khẩu ở các nước sản xuất vì quá xa rời thực tế.
Rõ ràng ông Vélez nói thay cho tất cả nông dân trồng cà phê toàn thế giới. Phải chăng đấy là một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa người lao động nông nghiệp một nắng hai sương với giới đầu tư tài chính nhưng kinh doanh hoàn toàn mang kiểu đầu cơ?
Gióng lên tiếng nói bảo vệ cho nông dân là việc làm rất cần thiết vào lúc này. Vấn đề là làm sao để đưa giá trị hạt cà phê về lại đúng giá trị của nó. Tách khỏi sàn kỳ hạn được không, và bằng cách nào. Xem ra đó không chỉ là nỗ lực đoàn kết nói chung tiếng nói của tất cả các nước xuất khẩu cà phê, mà còn là công việc riêng của từng nước, từng doanh nghiệp và từng nhà vườn trong khối này.
Nếu như ông Vélez thấy mối quan hệ mua bán giữa ngành cà phê nước ông với giới kinh doanh trên sàn là mất tính bền vững và thường thua thiệt cho người sản xuất, thì âu đó cũng là một gợi mở cho ngành cà phê Việt Nam khi tiêu thụ cà phê trên thị trường nội địa còn rộng cửa, chỉ có điều mối quan hệ giữa các chuỗi quán cà phê với nhà vườn còn nhiều “lỗi kết nối”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận