24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lại kỳ vọng giảm lãi suất điều hành?

Đang có những kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang đối mặt nhiều thách thức, cũng như đi theo xu hướng chung của các NHTW trong khu vực về việc cắt giảm lãi suất. Liệu kịch bản này có thể xảy ra trong tương lai gần?

Nhiều NHTW bắt đầu hành động

Chưa đầy 1 tuần sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức cắt giảm 0.5% lãi suất cơ bản USD hôm 20/9, mới đây ngày 25/9 Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã quyết định hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) cho các ngân hàng thương mại, từ 2.3% xuống 2%. Chỉ trước đó 1 ngày (24/9), PBoC cũng đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát và hướng đến mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đặt ra.

Cụ thể, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết, ngân hàng này sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0.5%, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường. Ngoài ra, tùy thuộc tình hình thanh khoản thị trường vào cuối năm nay, RRR có thể được giảm thêm 0.25 – 0.5%, đồng thời lãi suất của các khoản cho vay thế chấp hiện tại cũng sẽ giảm trung bình 0.5% và hạ yêu cầu trả trước tối thiểu xuống còn 15% cho tất cả các loại nhà khi mua, cùng với một số biện pháp khác.

Gói hỗ trợ khổng lồ này được đưa ra cũng nhằm vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng, nhưng có thể thấy rằng việc Fed giảm lãi suất và bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách trở lại đã tạo điều kiện cho nhiều nền kinh tế khác tiếp bước, mà không quá lo ngại về rủi ro mất giá đồng tiền.

Trước Trung Quốc, Ngân hàng trung ương (NHTW) Indonesia (BI) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chuẩn lần đầu tiên sau hơn 3 năm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Cụ thể ngày 18/9, chỉ ngay trước thời điểm Fed chắc chắn sẽ giảm lãi suất, BI đã giảm lãi suất chuẩn 0.25% xuống còn 6%, đồng thời lần lượt hạ lãi suất tiền gửi và cho vay qua đêm 0.25% xuống còn 5.25% và 6.75%. Đáng lưu ý là BI cũng sẵn sàng cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa trong quý 4 sắp tới.

Nhưng hành động sớm nhất trong khu vực phải kể đến NHTW Philippines (BSP), với việc chủ động giảm lãi suất 0.25% xuống còn 6.25%, bất chấp áp lực lạm phát đã tăng trở lại. Là một trong những nền kinh tế chịu áp lực lạm phát căng thẳng nhất ở châu Á, do phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm, bao gồm gạo, Philippines đã thắt chặt tiền tệ vào năm 2022 và đưa lãi suất lên mức cao nhất 17 năm ở 6.5%. Nhưng BSP giờ đây đang muốn nới lỏng trở lại, với khả năng tiến hành thêm một đợt giảm lãi suất nữa vào tháng 10 hoặc tháng 12 tới.

Trong khi đó, Thái Lan có thể là NHTW kế tiếp trong khu vực hành động, nhằm ngăn chặn đà tăng của đồng Baht đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Theo đó, đồng Baht đã tăng khoảng 11% kể từ cuối tháng 6 do đồng USD suy yếu và các quỹ nước ngoài đổ tiền vào trái phiếu và cổ phiếu của Thái Lan. Hiện đã có những lời kêu gọi NHTW Thái Lan (BoT) can thiệp và giảm lãi suất để bảo vệ ngành xuất khẩu và du lịch, hai trụ cột của nền kinh tế. Hiện BoT đang duy trì mức lãi suất cao nhất trong 10 năm qua ở 2.5% kể từ quí 4-2023, ngay cả khi lạm phát vẫn ở dưới mục tiêu 1-3%.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng dự báo các NHTW Ấn Độ và Hàn Quốc cũng sẽ sớm hành động tương tự theo chân Fed, với BOK dự kiến sẽ giảm lãi suất ngay từ tháng 10 tới. Hiện BOK đang duy trì mức lãi suất ở 3.5%, trong khi lạm phát cả năm dự báo ở mức 2,5% còn GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2.8%.

Việt Nam có tiếp bước?

Với cơn bão số 3 (Yagi) dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, trong báo cáo cập nhật mới nhất, ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng cho cả năm 2024 xuống còn 5.9%, giảm 0.1% so với dự báo trước đó là 6%. Cụ thể, UOB cho rằng dù tăng trưởng quí 2 đạt mức ấn tượng 6.93% nhưng trước những thách thức từ thiên tai các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn năm 2023, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 5.7% trong quí 3 và 5.2% trong quí 4/2024.

Điều thị trường mong đợi hơn có lẽ là một quyết định giảm lãi suất điều hành như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, vốn đã được duy trì tương ứng ở các mức 4.75%, 4.5% và 3% kể từ ngày 19/6/2023 đến nay, tức đã 1 năm rưỡi qua. Chính sách này nếu được thực thi sẽ là một quyết sách có thể tác động mạnh đến thị trường, và phần nào giúp kiềm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi đã khởi phát từ đầu quý 2 đến nay.

Thông tin trước đó từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, những thiệt hại từ Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có thể khiến tăng trưởng GDP quý III của cả nước giảm 0.35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0.15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6.8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0.33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0.05% và dịch vụ 0.22%.

Trước tình hình này, đang có những kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang đối mặt nhiều khó khăn, cũng như đi theo xu hướng chung của các NHTW trong khu vực về việc cắt giảm lãi suất. Đặc biệt trong bối cảnh tiền đồng đã tăng giá trở lại từ đầu quý 3 đến nay, NHNN càng có thêm điều kiện để xem xét cắt giảm lãi suất mà không quá e ngại rủi ro tỷ giá như giai đoạn trước.

Thực tế nhà điều hành cũng đã sớm giảm một số loại lãi suất như lãi suất tín phiếu và lãi suất cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Cụ thể, 2 loại lãi suất này đã được giảm 0,2% xuống 4.25%/năm từ ngày 5/8; đến ngày 20/8 lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm xuống còn 4.2%/năm; và ngày 16/9 vừa qua lãi suất trên OMO lại được giảm xuống còn 4%/ năm.

Tuy nhiên, có lẽ điều thị trường mong đợi hơn là một quyết định giảm lãi suất điều hành như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, vốn đã được duy trì tương ứng ở các mức 4.75%, 4.5% và 3% kể từ ngày 19/6/2023 đến nay, tức đã 1 năm rưỡi qua. Chính sách này nếu được thực thi sẽ là một quyết sách tác động mạnh đến thị trường, và phần nào giúp kiềm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi đã khởi phát từ đầu quý 2 đến nay.

Dù vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng NHNN khó có thể giảm thêm lãi suất tại thời điểm này. Một trong những lý do có lẽ là e ngại rủi ro lạm phát vẫn khó lường, trước tình hình những ảnh hưởng tiêu cực từ các đợt bão lũ có thể đẩy giá hàng hóa trong nước leo thang. Ngoài ra, dù tỷ giá USD/VNĐ đã ổn định trở lại, nhưng xu hướng giá vàng tăng mạnh gần đây cũng là một biến số sẽ tác động lên kênh tiền gửi ngân hàng.

Thay vào đó, ngân hàng UOB cho rằng NHNN có thể sẽ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn, hướng tới những cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, và tiếp tục duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4.5%. Trong khi đó, các chuyên gia tại VinaCapital lại tin rằng Chính phủ có nhiều công cụ có thể sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế, chẳng hạn như tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản, hơn là quyết định giảm lãi suất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả