24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Bá Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lãi khủng, doanh nghiệp chăn nuôi heo đua tái đàn

Dự báo phải đến cuối quý 3 và đầu quý 4, nguồn cung từ heo tái đàn mới có thể cân đối cung cầu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đến lúc đó giá heo cơ bản sẽ ổn định.

Giá thịt heo liên tục tăng cao gần đây khiến các doanh nghiệp chăn nuôi bước vào cuộc đua tái đàn, nhiều doanh nghiệp lãi khủng.  

Công suất tái đàn tăng 200 - 300%

Theo Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, đến tháng 6, Công ty chăn nuôi CP VN đạt 2,6 triệu con, tăng 1,1 triệu con so với thời điểm 1.1.2019 và tăng trên 200.000 con so với thời điểm từ đầu năm nay.

Diễn biến này cho thấy Công ty chăn nuôi CP VN gần như đã đẩy tối đa công suất chăn nuôi ở trại hiện có. Trong báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, CP Group (công ty mẹ của Công ty chăn nuôi CP VN) có doanh thu tăng 35%, lên mức 52,5 tỉ baht Thái Lan (tương ứng 39.000 tỉ đồng). Theo lý giải của doanh nghiệp, nguồn thu tăng chủ yếu đến từ giá thịt heo tăng 84% kể từ đầu năm đến nay.

Một “đại gia” khác trong ngành chăn nuôi là Tập đoàn DABACO, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 4.605 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỉ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu đạt 457 tỉ đồng kế hoạch cả năm 2020, trong đó có đóng góp đáng kể từ thị trường thịt heo giữ giá ở mức cao. Trong 6 tháng qua, DABACO tăng đàn heo nái từ 28.000 con lên khoảng trên 38.000 con. Sắp tới doanh nghiệp này sẽ vận hành thêm 2 dự án trang trại nuôi heo quy mô lớn tại Thanh Hóa và Hòa Bình.

Công ty phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) cũng có tốc độ tái đàn ấn tượng, tổng heo thương phẩm tháng 1 chỉ có trên 50.600 con, nhưng đến tháng 6 đã có trên 126.000 con. Doanh thu từ chăn nuôi và nông nghiệp tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm, đạt 5.043 tỉ đồng và là mảng đóng góp lớn thứ 2 cho tập đoàn, chỉ đứng sau thép. Hòa Phát hiện có hệ thống trang trại lớn cung cấp heo giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, heo thịt chất lượng cao tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất chăn nuôi lên tới 450.000 đầu heo thương phẩm/năm.

Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt heo tăng cao cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tái đàn. Cụ thể với Công ty CJ, tổng đàn heo thương phẩm trong tháng 1 chỉ có trên 212.000 con nhưng đến tháng 6 tăng lên trên 683.000 con (tăng trên 300%). Công ty CP Tập đoàn Mavin, đàn heo thương phẩm từ 35.000 con tăng lên trên 100.000 con (tăng gần 300%) trong tháng 6. Cho đến tháng 8, Mavin tiếp tục thực hiện chính sách không bán heo giống ra ngoài mà giữ lại toàn bộ để đưa vào hệ thống trại của tập đoàn này để nâng công suất chăn nuôi heo thương phẩm.

Người tiêu dùng chịu thiệt !

Trả lời Thanh Niên, bà Hoàng Thị Huệ, Phó giám đốc Công ty CP thực phẩm Ngôi sao xanh (Hà Nội), bức xúc bày tỏ giá thịt heo ở mức cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mỗi ngày doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 5 tấn thịt heo, chế biến cung cấp hàng chục nghìn suất ăn vào các cơ quan, trường học tại Hà Nội và không thể tăng giảm giá theo thị trường.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đến tháng 6 năm nay, tổng đàn heo thịt của 16 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi đạt 4,16 triệu con, tăng 66,35% so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi 1.1.2019) và tăng 30,89% thời điểm sau khi có dịch tả heo châu Phi (1.1.2020). Dự báo đến quý 4 năm nay, tổng đàn heo thịt của nhóm doanh nghiệp “đại gia” này đạt 5,36 triệu con, tăng 68% so với thời điểm đầu năm nay. Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến tháng 7, tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 24,9 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn trước khi có dịch.

“Dù làm suất ăn công nghiệp hay bán lẻ thì giá thịt heo nhập vào ở mức cao. Khi giá cao thì người tiêu dùng chuyển sang thực phẩm khác nên sản lượng bán vừa ít, tốc độ chậm nên tỷ suất lãi phần lớn các doanh nghiệp ở mức rất thấp, thậm chí là không có lãi, phải bù lỗ”, bà Huệ nói.

Bộ NN-PTNT cũng đã nhiều lần gặp gỡ, thậm chí có “sức ép” để doanh nghiệp có trách nhiệm bình ổn giá heo hơi nhưng không có tác dụng. Thậm chí sau mỗi lần kêu gọi, giá thịt heo lại tăng cao. Một báo cáo gần đây, Cục Chăn nuôi cũng chỉ đích danh nhiều doanh nghiệp như: Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa… chưa phối hợp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, có thời điểm còn không xuất bán góp phần đẩy giá heo hơi lên cao.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cũng phải thốt lên “giá heo như thời gian vừa qua là doanh nghiệp quá lãi”. “Dù giá heo hơi xuất chuồng từ 80.000 - 81.000 đồng/kg nhưng thực tế doanh nghiệp tìm đủ mọi cách bán hàng để có lợi nhuận cao như thay vì bán heo hơi thì lại đưa vào giết mổ, bán thịt mảnh”, ông Trọng nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Bộ vẫn đang cùng các bộ, ngành trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thị trường thịt heo. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch, tăng đàn, tái đàn duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt heo cho nhu cầu tiêu dùng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả