Lãi huy động về đáy nhưng lãi cho vay giảm chậm
Trong điều kiện lãi suất huy động liên tiếp lao về đáy còn lãi suất cho vay vẫn giảm chậm thì dư địa giảm thêm trong năm 2024 vẫn còn. Giảm lãi suất cho vay là cách tốt nhất để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng.
Đầu vào quá rẻ, đầu ra còn đắt đỏ
Các phân tích từ Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và VNDirect đều chung nhận định, hiện lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đầu ra cho vay hiện vẫn khá đắt đỏ. Lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm mà nguyên nhân chủ yếu do tốc độ giảm lãi suất cho vay thời gian qua thua xa tốc độ giảm lãi suất huy động.
Thừa nhận điều này, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh chóng trong thời gian qua. Tuy nhiên có đến 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là ngắn hạn, trong khi trên 50% dư nợ tín dụng là trung và dài hạn. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ so với lãi suất huy động.
Trên thực tế, trong mấy ngày qua, các ngân hàng đã liên tiếp công bố giảm thêm lãi suất huy động.
Điển hình là 2 ngân hàng trong nhóm "Big 4" là BIDV và Agribank đã đồng loạt giảm 0,2% đối với tiền gửi các kỳ hạn. Hiện mức lãi suất thấp nhất ở các ngân hàng này là 1,8% - 4,8%/năm.
Kể từ đầu tháng 3, đã có 17 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động gồm: PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, SCB, Saigonbank, BIDV. Trong đó, BaoViet Bank, GPBank, BVBank, PGBank đã 2 lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng.
Trong báo cáo mới đây, KBSV dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Tuy nhiên, chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm 0,75%-1%/năm.
Đà giảm và duy trì ở mức thấp của lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ có đà giảm kéo dài đến hết 2024. Điều chính điều này sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, gỡ nút thắt tín dụng cho các ngân hàng.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank, cho biết, từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã hai lần giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,3% - 0,5%/năm và một lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm 0,5% - 1%/năm. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13%/năm so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7 -9%/năm đối với khoản vay kỳ hạn ngắn và 9 -9,5%/năm đối với khoản vay trung dài hạn).
Mới đây, SHB cũng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp 0,85% - 1%/năm và hiện chỉ còn 5,79% - 6,5%/năm. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã giảm khoảng 2,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Tương tự, VietinBank cũng dành 200.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng với lãi suất ưu đãi chỉ 5,2% - 5,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và trung, dài hạn.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết các mức lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Cuộc đua tín dụng giá rẻ
Bên cạnh các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động thì việc Chính phủ và NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay cũng là tiền đề để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận lãi suất cho vay ở hợp lý và thấp hơn trước.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước “thúc” các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân. Đến nay, trên website một số ngân hàng đã công khai "lãi suất cho vay cơ sở". Tuy nhiên, mỗi ngân hàng công bố một cách khác nhau.
Cụ thể, BIDV vừa công bố thông tin trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
TPBank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại TPBank ở mức 3,75%/năm.
Một số ngân hàng khác như ACB, VIB, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm, nhu cầu vay vốn chưa thật sự mạnh mẽ trở lại, tính đến ngày 29/2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023 thì việc tìm kiếm khách hàng tốt có nhu cầu vay là không dễ. Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân có thể sẽ trở thành một công cụ quan trọng để các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng tín dụng trong giai đoạn tới.
Theo thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm hơn 2,5 điểm phần trăm trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2024. Trong quý đầu năm 2024, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới giảm lần lượt khoảng 0,2 điểm phần trăm/năm và 0,7 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng, với việc công khai lãi suất này, nhóm ngân hàng có lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng doanh nghiệp lớn giúp tỷ lệ tiền gửi CASA cao, nhóm có lượng tiền gửi ngoại tệ lớn, nhóm có khả năng tiếp cận các nguồn vốn tài trợ thương mại quốc tế giá rẻ sẽ có nhiều lợi thế ở lãi suất cho vay đầu ra.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, công khai lãi suất, quan trọng là cần giảm lãi suất thực chứ không phải trên lời nói hoặc giảm lãi suất kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", giảm lãi suất nhưng lại tăng các loại phí, rồi kèm gói bảo hiểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận