Lãi 10 quý liên tiếp, Deutsche Bank vẫn vướng vào khủng hoảng ngân hàng
Giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã trượt dốc ngày 24/3 trong khi chi phí bảo hiểm vỡ nợ của ngân hàng này tăng vọt.
Theo CNBC, rắc rối của Deutsche Bank xảy ra trong bối cảnh ngân hàng lớn nhất Đức này bị cuốn vào cơn hoảng loạn của thị trường liên quan tới sự ổn định của khu vực ngân hàng châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã cảm thấy khó hiểu, không biết tại sao ngân hàng Deutsche Bank, vốn đã có lãi 10 quý liên tiếp, luôn tự hào về nguồn vốn và khả năng thanh toán vững chắc, lại trở thành mục tiêu tiếp theo của khủng hoảng ngân hàng.
Vụ giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của Ngân hàng UBS tại Thụy Sĩ, nối tiếp vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ, đã gây ra mối lo ngại lây lan giữa các nhà đầu tư. Tình hình càng sâu sắc hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ vào ngày 22/3.
Các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đã hy vọng rằng thỏa thuận giải cứu Credit Suisse, do chính quyền Thụy Sĩ làm trung gian, sẽ giúp xoa dịu tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về sự ổn định của các ngân hàng châu Âu.
Nhưng vụ sụp đổ của ngân hàng Thụy Sĩ 167 tuổi Credit Suisse và việc thay đổi các quy tắc phân cấp chủ nợ đã khiến thị trường không tin rằng thỏa thuận với UBS sẽ đủ để ngăn chặn những căng thẳng trong lĩnh vực này.
Deutsche Bank đã trải qua một đợt tái cơ cấu trị giá hàng tỷ euro trong những năm gần đây nhằm giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này đã ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.
Tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1 - thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) của Deutsche Bank ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là 142% và tỷ lệ vốn lưu động ròng ổn định là 119%. Những số liệu này cho thấy không có bất kỳ nguyên nhân nào gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của Deutsche Bank.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels ngày 24/3 rằng Deutsche Bank đã tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh một cách triệt để và là một ngân hàng có lợi nhuận cao. Ông nói thêm rằng không có cơ sở để suy đoán về tương lai của ngân hàng này: "Đó là một ngân hàng rất có lợi nhuận. Không có lý do gì phải lo lắng”.
Một số lo ngại xung quanh Deutsche Bank tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản thương mại tại Mỹ và sổ sách phái sinh.
Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Autonomous đã bác bỏ vì cả hai lo ngại này ai cũng biết và không quá đáng sợ, đồng thời chỉ ra rằng ngân hàng này có sức mạnh thanh khoản và vốn mạnh mẽ.
Các chiến lược gia của Autonomous, ông Stuart Graham và Leona Li, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi không lo ngại về các dấu hiệu liên quan khả năng sinh lợi hoặc tài sản của Deutsche Bank. Nói một cách rõ ràng, Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo”.
Không giống Credit Suisse, họ nhấn mạnh rằng Deutsche Bank đang có lãi bền vững và Autonomous dự báo lợi nhuận trên giá trị sổ sách là 7,1% cho năm 2023, tăng lên 8,5% vào năm 2025.
Ông Paul van der Westhuizen, chiến lược gia cấp cao tại Rabobank, cũng cho rằng lợi nhuận của Deutsche Bank là khác biệt cơ bản giữa hai ngân hàng châu Âu nói trên vì Credit Suisse không có triển vọng lợi nhuận cho năm 2023.
Trước đó, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã phê duyệt vụ UBS tiếp quản Credit Suisse để tiếp tục tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng mà không bị hạn chế hoặc gián đoạn.
FINMA tin rằng giải pháp tiếp quản và các biện pháp được thực hiện giúp đảm bảo ổn định cho khách hàng của ngân hàng và cho trung tâm tài chính sau khi Credit Suisse trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin. Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng lần này, Credit Suisse đã bị coi là mắt xích yếu trong chuỗi ngân hàng châu Âu khi ngân hàng này vướng vào một loạt vụ bê bối bắt đầu từ năm 2021 gây ra khó khăn về tài chính và giảm sút về uy tín.
Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu và giới chức lo lắng về hậu quả nếu ngân hàng sụp đổ.
Còn tại Mỹ, ngày 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã sụp đổ. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Sau đó, Ngân hàng Signature cũng bị đóng cửa.
Dù xảy ra nhiều vấn đề với ngành ngân hàng thế giới nhưng nhìn chung giới chức các nước và các nhà phân tích khẳng định sẽ không tái diễn kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận