'Lách' nâng lãi suất huy động tiền, kỷ lục 10.2%
Sau khi đua tăng lãi suất huy động, bị Ngân hàng Nhà nước dọa xử phạt, các ngân hàng lại tăng lãi suất bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi, cộng thêm lãi suất bên ngoài cho khách hàng.
Nâng lãi suất lên 10,2%/năm
Gần đây, khách hàng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ ngân hàng B. mời chào tham gia gửi tiết kiệm theo dạng mua chứng chỉ tiền gửi để hưởng lãi suất cao. Theo đó, mệnh giá tối thiểu đối với khách hàng cá nhân là 10 triệu đồng, nếu gửi 24 tháng, lãi suất là 9,5%/năm; gửi 36 tháng, lãi suất là 9,8%/năm; 48 tháng, lãi suất là 10%/năm; 60 tháng, lãi suất là 10,2%/năm.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn. Khi mua chứng chỉ tiền gửi, khách được lãi suất cao nhưng không được rút trước hạn, chỉ được nhận lãi theo quý, năm hoặc ngày đáo hạn theo quy định của từng ngân hàng. Nếu có nhu cầu vốn, khách hàng có thể thế chấp tại chính ngân hàng phát hành, bán lại chứng chỉ tiền gửi hoặc chấp nhận lãi suất không kỳ hạn.
Nhân viên ngân hàng B. còn tư vấn, đó là lãi suất niêm yết công khai, nếu khách hàng đến gửi, sẽ được tham gia chương trình khuyến mãi cộng thêm lãi suất. Số dư càng cao, sẽ được cộng thêm lãi càng nhiều hoặc tặng thêm lãi suất theo số tuổi 1-2%, cộng 0,5-0,7%/năm cho kỳ gửi tiền đầu tiên…
Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đang có xu hướng phổ biến. Các ngân hàng thường nâng cao lãi suất nhằm thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi, hoặc hạ giá trị mệnh giá của chứng chỉ này.
Chẳng hạn, Ngân hàng VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%, số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng. Tại VietABank, nếu gửi 13 tháng, lãi suất là 8,1%/năm, nhưng vào các đợt khuyến mãi, khách hàng gửi 7 tháng, cũng được lãi suất 8,3%; gửi 12 tháng, lãi suất là 8,7%; khách đến tại quầy, sẽ được tư vấn gửi theo chương trình khuyến mãi 15 tháng với lãi suất 8,95%/năm.
Baoviet Bank hạ mệnh giá chứng chỉ tiền gửi xuống rất thấp, khách dễ dàng tham gia với mức chỉ 1 triệu đồng. Lãi suất tại ngân hàng này khá hấp dẫn, tới 8,4% cho các kỳ hạn 6-15 tháng, khách được trả lãi cuối kỳ hoặc hằng quý. Tại Ngân hàng Sacombank, khách có thể mua chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá chỉ 1 triệu đồng, thời hạn 84 tháng, được hưởng lãi suất 8,6%...
Gây bất ổn thị trường
Theo các chuyên gia, các ngân hàng nâng cao lãi suất huy động bằng cách phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao là muốn huy động được vốn trung, dài hạn ổn định. Ngân hàng sẽ dùng nguồn vốn dài hạn này để cho vay lại hoặc phục vụ một mục đích kinh doanh khác bởi điều kiện đi kèm với chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước khi đáo hạn.
Việc tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Hiện nay, đã có ngân hàng nâng lãi suất vay mua, xây sửa nhà, vay mua ô tô lên 13-13,5%/năm, thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng còn cao hơn nhiều, lên đến 40-50%/năm.
“Việc tăng lãi suất vay tác động không nhỏ đến những người vay mua bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn ít có điều kiện tiếp cận các ngân hàng lớn (lãi suất cho vay thấp). Lãi suất vay cao kéo theo việc gia tăng chi phí sản xuất khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là cạnh tranh không lành mạnh, là hành vi bị nghiêm cấm, theo Luật Các tổ chức tín dụng. Nhưng do luật không quy định mức lãi suất bao nhiêu bị xem là vi phạm, không có cơ sở xử phạt nên các ngân hàng mặc sức tìm cách lách” - chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ đầu tháng 8/2019, đã có khoảng 19 ngân hàng trung ương của các nước hạ lãi suất cơ bản. Trong khi đó, lãi suất tại Việt Nam vẫn tiếp tục đi ngược xu hướng trên, chỉ có các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước điều chỉnh giảm 0,5-1% lãi suất cho vay ngắn hạn ở các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng việc giảm lãi suất cho vay này chưa thể tạo ra đợt giảm lãi suất chung trong hệ thống ngân hàng và toàn diện cho các lĩnh vực.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Việc tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng duy trì lãi suất ổn định hợp lý, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận