Lách luật của ngân hàng: 'Bảo hiểm hóa' phí bôi trơn, người vay nghẹn lòng chấp nhận
Những sửa đổi liên quan đến mua bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang được kỳ vọng sẽ giúp thanh lọc thị trường, cũng như lấy lại niềm tin đã mất của người tiêu dùng.
Luật ngầm khi đi vay vốn
Mặc dù mới chỉ nở rộ trong vài năm qua nhưng hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã mang lại nguồn thu lớn cho nhiều ngân hàng, thậm chí trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều nhà băng từ năm 2018 đến nay. Đơn cử như VPBank đã thu về 3.353 tỷ đồng doanh thu hay Techcombank thu về 1.750 tỷ đồng từ họa động bán bảo hiểm trong năm 2022.
Bancassurance cũng là một trong những kênh phân phối bảo hiểm tiềm năng nhất của các hãng bảo hiểm. Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện có 15 trong tổng số 18 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai kênh bancassurance.
Mặc dù phát triển nhanh chóng mặt với tốc độ 2 chữ số và mang đến lợi nhuận khủng nhưng ở chiều ngược lại, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận, nhất là vấn nạn người đi vay bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng.
Ngân hàng thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ bancassurance.
Chia sẻ với VietnamFinance, anh Thành Đạt (Hà Nội) cho biết, anh đã tìm đến một ngân hàng để vay 1,2 tỷ đồng để mua nhà. Sau khi hoàn tất các thủ tục hồ sơ, nhân viên tư vấn gói vay cho anh Đạt mới đề xuất anh ký một hợp đồng bảo hiểm trị giá 15 triệu đồng để “vào việc nhanh hơn”.
Tương tự, chị Hồng Yến (Mê Linh) cũng từng phải ký hợp đồng mua bảo hiểm trị giá 30 triệu khi vay thế chấp đất hơn 3 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại ở Hà Nội.
Mặc dù nhân viên ngân hàng cho biết việc mua bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc nhưng khi tôi từ chối mua thì nhân viên ngân hàng lại lần lữa không chịu giải ngân dù đã hoàn tất đầy đủ giấy tờ. Cực chẳng đã, chị Yến phải mua gói bảo hiểm 30 triệu kia để “bôi trơn” cho khoản vay của mình.
"Đã khó khăn mới phải đi vay giờ lại phải cõng thêm 30 triệu tiền phí bảo hiểm nữa", chị Yến bức xúc.
Không riêng chị Yến, anh Đạt, nhiều người cũng phải than trời khi phải mua bảo hiểm “tự nguyện nhưng trên tinh thần bắt buộc” khi vay vốn tại các ngân hàng. Không biết từ bao giờ, câu chuyện bị ép mua bảo hiểm khi đi vay ngân hàng dần trở thành chuyện “xưa như diễm”, thậm chí còn trở thành luật ngầm giữa những người đi vay và ngân hàng.
Những lùm xùm liên quan tới bancassurance đã khiến niềm tin của người dân về thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam, theo Vietnam Report.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng niềm tin có thể được nhìn thấy qua mức giảm đáng kể, có nơi lên đến 90%, trong doanh thu từ hoạt động bảo hiểm tại các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023.
Người dân nửa tin nửa ngờ
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính vừa qua đã ban hành thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó ghi rõ cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng quy định các đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Các tài liệu, dữ liệu ghi âm phải được các công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật ít nhất 5 năm.
Nhiều người tỏ ra vui mừng trước quy định mới của Bộ Tài chính. Trên các hội nhóm liên quan đến bảo hiểm, không ít ý kiến cho rằng động thái mới này có thể giúp thanh lọc kênh bancassurance và thị trường bảo hiểm.
Trên một diễn đàn lớn về bảo hiểm, tài khoản tên Mai Linh tin rằng "Mình vay 1,5 tỷ cũng phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 50 triệu, trong khi ở nhà đã có sẵn 2 hợp đồng mua trước đó rồi. Giờ cấm được là ổn rồi, không còn cảnh người đi vay phải ức chế nữa".
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại rằng quy định chỉ dừng lại ở mức nằm trên giấy tờ. “Khi đi vay ngân hàng, người đi vay luôn ở vế dưới. Để quy định được thực hiện nghiêm túc thì rất khó, sợ rằng sẽ có nhiều nhân viên tư vấn của ngân hàng tìm cách lách luật. Chưa kể hiện tại Bộ chỉ cấm bảo hiểm liên kết đầu tư, trong khi bảo hiểm nhân thọ còn 6 loại hình khác. Thay vì bảo hiểm đầu tư, người đi vay sẽ buộc phải mua các loại bảo hiểm nhân thọ khác thôi", một tài khoản nói.
Tài khoản Thao Nguyen cũng đồng tình rằng những biện pháp như trên thực chất vẫn chỉ mang tính chất đối phó chứ chưa triệt được phần gốc vấn đề. "Việc bán bảo hiểm qua ngân hàng bị biến tướng đi rất nhiều so với thời ban đầu. Khi chặn đầu này thì ngân hàng sẽ ngay lập tức có trò khác để né ngay thôi bởi vì nó mang lại lợi nhuận quá lớn cho ngân hàng".
Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho biết: “Việc cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay không giúp ích gì cho việc lành mạnh hóa giao dịch bảo hiểm”.
Để kênh bancassurance hoạt động theo đúng bản chất của nó, vấn đề chính ở đây là phải buộc các công ty bảo hiểm minh bạch các hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng thay vì cấm. Trong khi đó, về phía nhân viên ngân hàng, nếu muốn được bán bảo hiểm thì phải qua các khóa đào tạo, lấy chứng chỉ chuyên nghiệp chứ không phải chỉ “tay ngang” đào tạo qua vài khóa nội bộ như hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận