24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bạch Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lạ: "Mô típ" kinh doanh tại nhiều công ty liên quan đến tân Chủ tịch Golf Việt Nam Bùi Đức Long

Điểm rất thú vị trong bức tranh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Bùi Đức Long - tân Chủ tich Golf Việt Nam, đó là doanh thu 0 đồng hay tăng trưởng, cuối cùng các doanh nghiệp này đều báo lỗ tăng gấp nhiều lần trong năm 2021.

Ông Bùi Đức Long vừa được bầu làm Chủ tịch của Công ty Cổ phần dịch vụ Golf Việt Nam (VGS Group) – công ty đang gánh khoản lỗ lũy kế gần 5 tỷ đồng (đến cuối năm 2021).

Sự chèo lái của tân "thuyền trưởng" Bùi Đức Long liệu có giúp Golf Việt Nam "thay da đổi thịt" và xử lý số lỗ lũy kế kể trên của doanh nghiệp hay chỉ khiến cho "lỗ chồng thêm lỗ" giống như "mô típ" kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp có liên quan đến vị tân Chủ tịch này?

Trước hết cùng " nội soi" Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland (Vicoland Group) tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Vincon, được thành lập ngày 5/6/2007.

Cập nhật tại vào thời điểm cuối quý III/2015, vốn điều lệ của Vicoland Group đạt 30 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập lớn nhất là ông Bùi Đức Long với tỷ lệ vốn góp lên tới 96,67%. Ông Bùi Đức Long khi đó là người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn 2 cá nhân tham gia góp vốn khác là Nguyễn Hữu Hiến (1%) và Nguyễn Kiều Anh (2,33%).

Chỉ 3 năm sau (tháng 5/2018), vốn điều lệ của Vicoland Group đã chạm ngưỡng 500 tỷ đồng, tức là gấp 16,7 lần sau gần 3 năm. Tốc độ tăng này dù nhanh nhưng vẫn chưa là gì so với giai đoạn 2018 – 2019.

Theo dữ liệu cập nhật vào tháng 1/2019, tức là chỉ sau nửa năm, vốn điều lệ của Vicoland Group đã lên đến 1.200 tỷ đồng, tức là tăng 2,4 lần và duy trì cho tới cuối năm 2021. So với tháng 9,10/2015, vốn điều lệ này đã tăng tới 40 lần. Tuy cơ cấu cổ đông không được tiết lộ, song tại thời điểm đó, ông Bùi Đức Long vẫn đang là đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT của Vicoland Group.

Đến 31/12/2021, vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp vẫn đang đứng ở mức 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm lại thấp hơn so với số vốn góp, bởi nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Lạ: "Mô típ" kinh doanh tại nhiều công ty liên quan đến tân Chủ tịch Golf Việt Nam Bùi Đức Long

Nguồn: Dân Việt

Cụ thể, tính đến 31/12/2021, Vicoland Group đang gánh khoản lỗ luỹ kế 91,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Riêng năm 2021, doanh nghiệp báo lỗ trước thuế 81,9 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với năm liền trước.

Chi phí "đội" lên nhiều lần chính là lý do khiến cho Vicoland Group lỗ nặng đến vậy.

Theo dữ liệu của Dân Việt, dù doanh thu của Vicoland Group (riêng lẻ) đạt 52,3 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ. Thế nhưng mức tăng này cũng không đủ bù đắp đủ cho các khoản chi phí phát sinh. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 232%, chi phí bán hàng tăng tới 60.900% so với cùng kỳ.

Cùng với kết quả kinh doanh "bết bát" dù doanh thu vẫn tăng trưởng, tổng tài sản của Vicoland Group cuối năm ngoái cũng "bốc hơi" 34%, chỉ còn 2.595 tỷ đồng.

Trùng hợp, các doanh nghiệp khác có liên quan đến tân Chủ tịch VGS Group Bùi Đức Long dường như cũng có chung một "mô típ" kinh doanh như vậy trong năm 2021.

T99 Group của ông Bùi Đức Long là một ví dụ. Theo giới thiệu, tuy mới ra mắt vào năm 2021, thế nhưng T99 Group nhanh chóng sở hữu 100 Phòng giao dịch ngay trong ngày đầu ra mắt 1/1/2021 trên 15 tỉnh thành. Mỗi tháng T99 Group phục vụ hơn 18.000/lượt khách hàng và tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ tín dụng có nhu cầu cho vay - cầm cố tài sản.
Lạ: "Mô típ" kinh doanh tại nhiều công ty liên quan đến tân Chủ tịch Golf Việt Nam Bùi Đức Long

Nguồn: Dân Việt

Dù lời giới thiệu rất "hoành tráng" nhưng kết quả kinh doanh lại có phần kém sắc. Cụ thể, năm 2021, doanh thu của T99 Group đạt gần 33,4 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh âm 56 tỷ đồng.

Lý do, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, với tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lên tới 86 tỷ đồng. Kết quả, T99 Group báo lỗ trước thuế 59 tỷ đồng, gấp gần 9 lần năm ngoái. Tất nhiên T99 Group mới chỉ hoạt động được hơn 2 tháng trong năm 2020 nên khoản lỗ thấp cũng không quá ngạc nhiên.

Dù vậy, cũng giống như Vicoland Group, do khoản lỗ lớn gấp 9 lần năm 2020, nên lỗ lũy kế đến 31/12/2021 mà doanh nghiệp này phải gánh là 65,8 tỷ đồng – "ăn mòn" vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp. Theo đó, vốn chủ sở hữu chỉ còn 234 tỷ đồng/300 tỷ đồng vốn góp.

Hơn nữa, tính đến cuối năm 2021, T99 Group còn 349,4 tỷ đồng nợ phải trả, tăng đến 87 lần so với đầu năm.

Một công ty khác do ông Bùi Đức Long làm Chủ tịch HĐQT (theo đăng ký kinh doanh tháng 5/2021) là Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển dự án Vico. Doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế hơn 600 triệu đồng năm 2021. Lỗ lũy kế gần 700 triệu đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021 của doanh nghiệp giảm từ 10 tỷ xuống 9,32 tỷ đồng.

Và "kịch bản" rất quen thuộc dẫn tới việc "lỗ chồng lỗ" của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển dự án Vico đến từ việc chi phí quản lý doanh nghiệp phình to gấp 33 lần, dù 2 năm nay đều không ghi nhận doanh thu.

Kịch bản tương tự về kết quả kinh doanh một lần nữa lặp lại với Công ty Cổ phần Navi Land Việt Nam. Được biết, Công ty Cổ phần Navi Land Việt Nam (tiền thân là Công ty Cổ phần xây dựng và chuyển giao công nghệ Hà Thành 388), cập nhật thời điểm tháng 12/2016 doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ông Bùi Đức Long sở hữu 40%, đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.

Dữ liệu Dân Việt có được, doanh thu của doanh nghiệp này năm 2021 là 0 đồng, trong khi năm 2020 đạt 194 triệu đồng. Chi phí bán hàng không phát sinh trong kỳ nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi. Do đó, doanh nghiệp cũng lỗ gấp đôi trong năm 2021 với con số 1,2 tỷ đồng. Với hơn 2,2 tỷ đồng lỗ lũy kế, vốn góp chủ sở hữu bị "ăn mòn" tương ứng.

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp có liên quan đến ông Bùi Đức Long – tân Chủ tịch của Golf Việt Nam như đã kể trên đều có chung "mô típ" kinh doanh "na ná", đó là dù doanh thu tăng hoặc không phát sinh doanh thu thì chi phí vẫn "phình to" và doanh nghiệp báo lỗ nặng trong năm 2021 (gấp từ 2,3 lần - 350 lần so với năm 2020). Khoản lỗ năm này chồng thêm vào khoản lỗ lũy kế từ các kỳ trước khiến cho vốn góp chủ sở hữu bị "hào mòn".

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng việc chi phí "đội" lên có thể là dấu hiệu cho thấy năng lực quản trị chi phí của doanh nghiệp "có vấn đề" hoặc các doanh nghiệp này đã chủ động trong quản lý các loại chi phí nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả