Là cường quốc xuất khẩu gạo, tại sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu mặt hàng này?
Với sản lượng xuất khẩu có thể đạt trên 7 triệu tấn, năm 2022, ngành gạo Việt Nam sẽ lập kỷ lục xuất khẩu gạo nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng nhập khẩu gạo năm 2022 của Việt Nam tăng đột biến, liệu có bất thường?
Tại sao nhập khẩu gạo?
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo nhưng đồng thời cũng nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo. Năm 2022 kịch bản nhập khẩu cũng tương tự như vậy nhưng xuất khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 1 triệu tấn.
"Với góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng hoạt động xuất, nhập khẩu là vận hành theo quy luật thị trường. Chúng ta xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao với giá cao và nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp giá rẻ để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như sản xuất bột, bún, hủ tíu, chế biến thức ăn gia súc…", ông Việt Anh nói.
Mặt khác, việc nhập khẩu nhiều lúa từ Campuchia mang về chế biến xuất khẩu là do nhiều người Việt Nam sang Campuchia thuê đất trồng lúa khi thu hoạch thì mang về nước để xay xát. Xét về công nghệ chế biến, bảo quản, xuất khẩu thì doanh nghiệp Campuchia còn thua các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, "nhập khẩu lúa từ Campuchia về Việt Nam để chế biến xuất khẩu doanh nghiệp sẽ có được lợi nhuận tốt hơn", ông Việt Anh nhận định.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng, do Việt Nam đã chuyển dịch mạnh sang phân khúc gạo thơm cao cấp nên hiện nay sản lượng gạo cấp thấp, cứng cơm như IR 50504, OM576 (gạo hàm trâu) không còn nhiều.
Trong chỉ thị trường trong nước mà các thị trường khác như châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc…cũng có nhu cầu cao các loại gạo cấp thấp này.
"Đặc biệt loại gạo này cũng được mua dự trữ hàng năm, do cung không đủ cầu nên giá loại gạo này sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu từ một số quốc gia khác như Ấn Độ, Campuchia, đây là lý do vì sao trong mấy năm gần đây chúng ta phải nhập khẩu nhiều loại gạo trắng thông dụng", ông Đôn phân tích.
Trao đổi với Nhadautu.vn, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, hằng năm nông dân cả nước gieo trồng hơn 7 triệu lúa với sản lượng đạt khoảng 44 triệu tấn. Trong đó, tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, phục vụ chăn nuôi, làm giống và dự trữ khoảng 29 triệu tấn lúa; còn dư khoảng 15-16 triệu tấn lúa, quy gạo hàng hoá khoảng 7,5-8 triệu tấn.
Như vậy, nếu xuất khẩu gạo trong khoảng 7-8 triệu tấn/năm thì chúng ta không cần phải nhập khẩu hạt gạo nào bởi vì nguồn cung trong nước đã đủ đáp ứng.
Lý giải nguyên nhân vì sao nguồn cung trong nước không thiếu nhưng mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam lại nhập khẩu hàng triệu tấn gạo, GS Xuân cho rằng có thể gạo nhập khẩu vào giá rẻ hơn trong nước, nên doanh nghiệp nhập khẩu vào để đấu trộn với gạo trong nước để thu được lợi nhuận cao hơn.
"Hiện nay trình độ sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, thậm chí năng suất lúa còn tốt hơn nhiều quốc gia khác nên giá thành sản xuất khá cạnh tranh. Sở dĩ gạo nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ hơn gạo nội địa có thể do trợ cấp của quốc gia xuất khẩu hoặc gạo 'xả kho', giảm giá của một số quốc gia có tồn kho dự trữ cao", GS Xuân cho biết.
Làm sao để bảo vệ người trồng lúa?
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, do thời gian gần đây ngành lúa gạo đã chuyển dịch quá nhanh sang sản xuất gạo thơm, gạo phẩm cấp cao nên hiện nay sản lượng gạo trắng thông thường không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó việc định hướng thị trường và tổ chức vùng sản xuất theo yêu cầu thị trường là rất cần thiết.
"Trình độ sản xuất ta không thua kém ai, điều kiện thời tiết, khi hậu, thổ nhưỡng cũng rất tốt, diện tích gieo trồng cũng không thiếu, do đó chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ được nguồn cung lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nếu khâu tổ chức sản xuất tốt hơn", GS Xuân nói.
Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, việc nhập khẩu gạo với giá thấp hơn sản xuất trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất không đủ đáp ứng là hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được kiểm soát, quản lý, thống kê đầy đủ, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo được điều chỉnh bởi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu gạo thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề còn hạn chế như: chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo…
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đã đưa các nội dung về quản lý nhập khẩu gạo vào nghị định.
Cụ thể: Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.
Khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu; các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng nền tảng khai báo trực tuyến để các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, các thương nhân nhập khẩu gạo thực hiện báo cáo định kỳ để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận