Lá bài năng lượng của Nga dần mất sức nặng
Nga tin rằng chiến lược cắt giảm khí đốt sẽ khiến châu Âu khổ sở trong mùa đông lạnh giá và từ bỏ ủng hộ Ukraine, nhưng thực tế không như mong đợi.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, một câu hỏi khiến các nước châu Âu đau đầu là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Moskva cắt nguồn khí đốt cho châu lục.
Nỗi lo Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu cũng là con át chủ bài mà Tổng thống Putin kỳ vọng giúp mang lại lợi thế cho ông khi xung đột kéo dài tới mùa đông. Từ lâu, nhiều nước châu Âu đã phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga để sưởi ấm các gia đình và cung cấp năng lượng cho nhà máy.
Theo giới chuyên gia, ông Putin tin rằng khi nguồn cung khí đốt bị cắt giảm giữa mùa đông lạnh lẽo, các nước châu Âu sẽ chịu sức ép rất lớn từ dư luận và buộc phải giảm ủng hộ Ukraine. Áp lực đó có thể buộc các lãnh đạo châu Âu kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt Nga hoặc hối thúc Ukraine chấp nhận đàm phán theo điều khoản có lợi cho Moskva.
"Nga cho rằng một trong những vũ khí tốt nhất của họ trong cuộc chiến này chính là mùa đông", Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao tại tổ chức Chatham House ở Anh, nói.
"Nga đã tìm cách tận dụng mùa đông để tăng sức mạnh cho một công cụ khác: vũ khí năng lượng. Nga đặt cược mùa đông lạnh giá sẽ khiến châu Âu tin rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine không đáng để họ phải hứng chịu nỗi đau", Giles nói thêm.
Nhưng mùa đông năm nay ở Tây Âu và Trung Âu ấm áp hơn dự kiến. Cùng với đó, nỗ lực giảm tiêu thụ khí đốt quyết liệt của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến con át chủ bài của ông Putin mất dần sức nặng.
Việc giảm nhu cầu tiêu thụ đã giúp tăng đảm bảo cho nguồn cung khí đốt của châu Âu, vốn dịch chuyển từ Nga sang các nhà sản xuất khác, chủ yếu là Mỹ và Na Uy. Nguồn cung mới lớn nhất là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chủ yếu được nhập từ Mỹ. Châu Âu cũng chạy đua xây dựng các cảng LNG mới, trong đó có cảng tại Lubmin, miền bắc nước Đức.
Giới quan sát cho rằng các chính phủ châu Âu hiện có cơ hội rất lớn để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga và chuẩn bị tốt hơn cho mùa đông tiếp theo. Điều này có thể giúp duy trì mặt trận thống nhất của phương Tây khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Adam Bell, cựu quan chức năng lượng Anh, nói rằng mùa đông ấm áp đã giúp châu Âu có thêm một năm để ứng phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng. "Nếu tháng 12 và tháng 1 lạnh hơn, châu Âu sẽ tiêu thụ nhiều khí đốt dự trữ hơn", ông nói.
Nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu đã giảm khoảng 20% trong quý IV năm 2022 so với một năm trước đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tiêu thụ khí đốt ở Đức đầu tháng 12 năm ngoái thấp hơn 15% so với dự kiến.
"Khả năng thích ứng và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của châu Âu vượt xa những gì tôi nghĩ", Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành công ty phân bón Yara International, một trong những doanh nghiệp tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, cho biết.
Nếu châu Âu kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ đủ nhiều, chính phủ các nước sẽ không phải chạy đua mua lượng lớn khí đốt để lấp đầy kho trước mùa đông tới.
Tuy nhiên, Adam Bell cảnh báo chỉ dự trữ khí đốt là không đủ. "Cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Các ngôi nhà, văn phòng cần có hệ thống cách nhiệt để giảm lãng phí năng lượng. Các công ty cũng cần thay đổi quy trình sản xuất để không phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên", ông cho hay.
Giới phê bình cho rằng châu Âu đã tập trung quá nhiều vào giá khí đốt trong ngắn hạn, thay vì đầu tư vào các biện pháp dài hạn hơn như cải thiện hiệu suất hoặc năng lượng tái tạo.
"Điều đầu tiên mọi người thường nghĩ tới là giảm giá khí đốt, bởi nó sẽ trực tiếp giải quyết lo ngại về chi phí của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Nhưng làm cho giá khí đốt rẻ hơn sẽ đánh mất động lực giảm mức tiêu thụ tổng thể", Milan Elkerbout, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Bỉ, nói.
Elkerbout thêm rằng các chính trị gia có xu hướng coi hiệu suất năng lượng là mục tiêu lớn cần thực hiện trong dài hạn. "Nhưng ngay cả những biện pháp cải thiện hiệu suất năng lượng trong ngắn hạn cũng có thể góp phần vào sự thay đổi về mức tiêu thụ", ông nói.
Song rủi ro đối với nguồn cung khí đốt của châu Âu vẫn hiện hữu. Nga, quốc gia cung cấp khoảng 80% khí đốt của châu Âu, có thể ngừng hoàn toàn giao hàng trong thời gian tới. Nền kinh tế Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau khi chính phủ nới lỏng chính sách "Không Covid" và dự kiến tăng nhu cầu nhập khẩu LNG, có thể đẩy giá thị trường toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, các nhà khoa học khí hậu cho biết châu Âu ngày càng có nguy cơ đối mặt các đợt nắng nóng bất thường và hạn hán giống như hè năm 2022, khiến sản lượng thủy điện bị sụt giảm mạnh.
"Nguồn dự trữ chưa dư thừa. Chúng tôi vẫn ở trong tình thế mà giá có thể tăng đột biến nếu có sự cố xảy ra", Ben McWilliams, nhà phân tích tại tổ chức Bruegel ở Bỉ, nói.
Tuy nhiên, giới phân tích lạc quan rằng khả năng cắt giảm tiêu thụ năng lượng của châu Âu trong mùa đông này cho thấy lục địa có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi những cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
"Vào giữa những năm 1970, khi chứng kiến cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên, chúng tôi đã có một cuộc cách mạng thực sự về hiệu suất năng lượng. Chúng tôi giờ có thể thấy khởi đầu của một giai đoạn khác như thế", Brian Motherway, thành viên của IAE, chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận