Kỳ vọng xuất khẩu sẽ 'vươn mình' trong năm 2024
Chuyên gia dự báo, năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023
Năm 2024, xuất khẩu sẽ tiếp tục được coi là một trong các chân kiềng quan trọng, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Dù một số chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023 “lỡ hẹn” với kế hoạch đã đặt ra, song với những điểm sáng tích cực cùng mức suất siêu kỉ lục cho thấy tiềm lực xuất khẩu là rất lớn.
Nhìn lại những “át chủ bài” của bức tranh xuất khẩu năm 2023
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu năm 2023 vừa qua có thể thấy rõ những tín hiệu phục hồi. Theo Cục xuất nhập khẩu, hết quý I/2023, xuất khẩu nước ta ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ cuối quý II/2023, ghi nhận xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối quý III/2023, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Hết năm 2023, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,4% so với năm 2022. Đặc biệt, có tới 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước năm vừa qua, góp phần quan trọng vào mức xuất siêu 28 tỷ USD, tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên của hơn 10 mặt hàng nông sản. Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Gạo và rau quả là 2 mặt hàng có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục ghi nhận nhiều kỷ lục mới.
Giá gạo Việt Nam tăng cao nhất trong 15 năm qua, xuất khẩu được hơn 8,2 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,8 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mới đây, gạo ST24 và ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Đối với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt tới 5,6 tỷ USD, mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Sầu riêng là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, dẫn đầu trong nhóm rau quả, chiếm tỷ trọng 51%.
Bên cạnh đó, trong kỷ lục xuất siêu năm 2023, ngoài các mặt hàng chiếm giá trị xuất khẩu lớn do khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu như điện tử, máy tính, linh kiện 57,3 tỷ USD; điện thoại, linh kiện 53,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác 43,1 tỷ USD thì nhiều mặt hàng do khu vực doanh nghiệp trong nước sản xuất, thuần Việt hơn cũng đạt giá trị xuất khẩu lớn.
Theo đó, giá trị xuất khẩu dệt may 33,2 tỷ USD, giày dép 20,3 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 13,4 tỷ USD, thủy sản 9 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2023 còn nhiều khó khăn thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực này lại có sự sụt giảm so với năm 2022.
Kỳ vọng xuất khẩu sẽ “vươn mình” trong năm 2024
Bước vào năm 2024, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đặt ra mục tiêu cho hoạt động xuất nhập khẩu là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Nhận định về mục tiêu này, ông Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng tín hiệu tích cực với xuất khẩu năm 2023 là quý IV xuất khẩu đã tăng nhiều hơn trong khi nhập khẩu giảm, điều này làm cho xuất siêu tăng mạnh.
“Do đó, trong năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023”, ông Lộc dự báo.
Tuy vậy, ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Vinanutrifood (Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam) cho rằng quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp hiện còn nhiều khó khăn.
“Thị trường xuất khẩu đang chững lại và có nhiều dấu hiệu bất ổn do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn. Thêm vào đó, việc xuất khẩu cũng sang các nước cũng ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hoá của các nước ngày càng khắt khe đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Doãn Kế Bôn, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường đại học Thương mại, cho hay xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm, đây đều là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Cho đến nay, theo công bố mới nhất thì Mỹ và các nước châu Âu đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc hơn, vì thế tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng tốt lên trong năm nay.
Bên cạnh đó, TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, nhìn nhận cần nâng chất lượng hàng xuất khẩu bởi chúng ta xuất siêu lớn trong năm 2023 nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất.
“Các doanh nghiệp FDI đang chiếm 3/4 miếng bánh xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/4 thôi. Hơn nữa, chúng ta xuất siêu sang châu Âu, Mỹ nhưng lại nhập siêu lớn từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc” ông Phương nhấn mạnh.
Vì vậy, theo ông Phương, để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, trước hết phải nâng hàm lượng nội địa hàng xuất khẩu, muốn vậy phải chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp hiện nay sang nền sản xuất thiết kế, chế tạo. Đồng thời, để hiện thực hóa điều này thì nhân công phải có trình độ, tay nghề cao; nền sản xuất phải dựa trên nền tảng của chính mình chứ không dừng ở việc lắp ráp, ví dụ như chúng ta đang theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm nay có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên phụ thuộc vào việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Trước những đòi hỏi mới, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường này, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng.
Cùng với đó là khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận