Kỳ vọng vào những cải cách kinh tế của Trung Quốc (Phần 1)
Các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là động lực mới để Bắc Kinh tăng tốc các chính sách cải cách mở cửa thị trường và tự do hóa nền kinh tế.
Ngày 13/12 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể lượng nông sản nhập khẩu của Mỹ, lên 50 tỷ USD trong năm 2020, gấp đôi mức nhập khẩu trong năm 2017, đồng thời mở cửa các ngành dịch vụ tài chính và ban hành các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mới.
Đổi lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ngừng áp thuế đối với hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và giảm một nửa mức thuế đã áp từ 15% xuống còn 7,5% đối với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 15/12.
Theo bài viết trên báo South China Morning Post, mặc dù chi tiết cụ thể của thỏa thuận thương mại tạm thời chưa được công bố chính thức, nhưng rõ ràng thỏa thuận này sẽ có một số nhượng bộ nhất định từ phía Bắc Kinh về mặt mở cửa thị trường và thay đổi chính sách trong nước.
Việc đưa các vấn đề này vào thỏa thuận, dự kiến được ký vào tháng 1/2020, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu mà Washington và nhiều quốc gia khác yêu cầu Bắc Kinh phải đáp ứng như điều kiện để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" giữa hai cường quốc đạt được trong bối cảnh ngày càng gia tăng rủi ro liên quan đến việc Trung Quốc tìm cách tách khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và công nghệ; trong khi các cải cách theo định hướng thị trường của nước này cho thấy dấu hiệu mất đà.
Theo tuyên bố của cả hai bên về thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", Trung Quốc sẽ tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường tài chính và minh bạch trong chính sách tiền tệ. Đây cũng là những cam kết của Bắc Kinh khi nước này đàm phán gia nhập WTO.
Thỏa thuận này đã ngay lập tức xoa dịu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng như thổi làn gió mới cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Một số nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng thỏa thuận “đình chiến” có thể mang lại những thay đổi dài hạn cho nền kinh tế nước này, tạo điều kiện thúc đẩy Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường kinh tế.
Theo ông Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande và từng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện, thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ đánh dấu những tiến bộ quan trọng trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Điều này có tầm quan trọng như việc Trung Quốc gia nhập WTO. Trung Quốc cuối cùng đã quyết định biến áp lực thành hành động để tăng tốc đáng kể những cải cách đã trì hoãn từ lâu.
Mặc dù thỏa thuận "giai đoạn một" tập trung nhiều về việc loại bỏ thuế quan và tăng nhập khẩu hàng hóa hơn là thúc đẩy thay đổi cơ cấu trong mô hình kinh tế của Trung Quốc, nhưng những vấn đề như vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế dường như được để dành cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Đồng thời, ngày càng có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu đánh giá lại tham vọng kinh tế của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận