Kỳ vọng sớm hoàn thành Basel III trong năm 2021
Đến thời điểm này đã có gần 10 ngân hàng hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn. Điều gì thôi thúc ngân hàng cán đích Basel II sớm như vậy? Để tìm câu trả lời, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Bùi Thái Hà – Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank - một trong những ngân hàng đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II.
Ông có thể cho biết, động lực để LienVietPostBank hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II?
Chúng tôi luôn nhận thức việc áp dụng các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tiên tiến và minh bạch là một trong những nền tảng quan trọng nhất cho chiến lược phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với định hướng của NHNN cũng như định hướng phát triển của ngân hàng.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của triển khai Hiệp ước vốn Basel II, LienVietPostBank đã sớm bắt tay vào thực hiện từ năm 2017 theo lộ trình chiến lược được Hội đồng Quản trị phê duyệt. Sau một thời gian triển khai, đến năm 2019, NHNN đã chấp thuận cho phép LienVietPostBank áp dụng trước thời hạn đối với Hệ thống tính toán và quản lý Tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 cũng là trụ cột 1 & trụ cột 3 của Hiệp ước Basel II.
Tiếp nối thành công trên, LienVietPostBank tiếp tục triển khai các hạng mục công việc thuộc trụ cột 2 – Thực hiện triển khai đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP). Đến cuối năm 2020, ngân hàng đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục ICAAP. Với việc hoàn thành ICAAP, LienVietPostBank đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn so với quy định. Ngân hàng cũng đã hoàn thành xây dựng công cụ triển khai ICAAP trong đó tích hợp tính toán tự động các chỉ tiêu trong Quy trình ICAAP, đánh giá mức độ tác động theo các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của từng loại rủi ro đến Vốn. Công cụ ICAAP mà LienVietPostBank xây dựng có thể tham số linh hoạt các yếu tố đầu vào, kết quả tính toán được xử lý tự động và có khả năng chạy nhiều kịch bản, đồng thời công cụ cho phép trích xuất thông tin, báo cáo theo quy định của NHNN cũng như cho mục tiêu quản trị và quản lý rủi ro.
Trong thời gian tới, LienVietPostBank tiếp tục nghiên cứu và triển khai hướng tới quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III. Đây là một phần cơ sở để ngân hàng hoàn thành chiến lược kinh doanh trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam – Ngân hàng của mọi người.
Hiện đã có một vài ngân hàng bắt đầu áp dụng các quy chuẩn nâng cao, chuẩn bị hướng tới Basel III. Ông nghĩ sao về việc này?
Basel III đưa ra một số tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II về yêu cầu về vốn, tiêu chuẩn về tính thanh khoản nhằm mục tiêu nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn vốn và thanh khoản bền vững được coi là một trong mục tiêu cốt lõi để phát triển ổn định phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của ngân hàng. Bên cạnh đó, đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn, tăng cường tỷ trọng nguồn vốn ổn định cũng là những yếu tố quyết định để đáp ứng các quy định của Basel III.
Trong khi LienVietPostBank có thế mạnh về huy động vốn trên cơ sở khai thác lợi thế mạng lưới rộng, phủ khắp các tỉnh thành hiện nay. Vì vậy, ngân hàng dự kiến triển khai dự án Basel III với phạm vi tiếp cận khá toàn diện cả 3 trụ cột của Basel III, hướng đến mục tiêu đưa công tác quản trị rủi ro của ngân hàng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện chúng tôi đang trong quá trình làm việc với một số đơn vị tư vấn uy tín để lựa chọn kế hoạch và Phương thức triển khai tối ưu nhất, nhanh nhất.
Theo ông đâu là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng có thể hoàn thành chuẩn mực Basel?
Theo tôi, để giúp các ngân hàng sớm hoàn thành chuẩn mực Basel phụ thuộc nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Về phía cơ quan quản lý, NHNN đã xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh, có lộ trình và định hướng cụ thể đối với các TCTD trong lộ trình triển khai Basel. Về phía ngân hàng, đó là sự quyết tâm và quyết liệt của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo ngân hàng trong việc định hướng, tổ chức triển khai. Sự chuyên nghiệp, khoa học trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, phân bổ nguồn lực; đầu tư về mặt cơ sở hạ tầng, công nghệ, con người và sự hỗ trợ kịp thời, chuyên nghiệp của các đối tác, cơ quan, bộ ban ngành là những yếu tố quan trọng hỗ trợ các ngân hàng tốt nghiệp sớm Basel.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận