Kỳ vọng nhu cầu tín dụng hồi phục
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hồi tháng 7, có tới 56,8% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trong quý III, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ”.
Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, trong quý này, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm so với quý trước do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 với dự báo sẽ giảm 19% so với quý II/2021 do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng so với quý trước.
Nhóm phân tích dự báo thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 của các ngân hàng sẽ giảm 2% so với quý trước, tuy nhiên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại. NIM của các ngân hàng được dự báo sẽ giảm trong quý III/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng dự báo chi phí dự phòng trong quý III của các ngân hàng sẽ tăng 20% so với quý trước, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp. Chất lượng tài sản bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn và thực hiện giãn cách.
Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm. Vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong quý IV/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Ngoài ra, kỳ vọng thu nhập phí sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.
Trong khi đó, tại một buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, các chuyên gia của FIDT dự phóng kết quả kinh doanh quý III/2021 của nhóm ngân hàng không có gì đáng lo ngại. Có thể mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng không còn mạnh như quý I và II, nhưng phần lớn ngân hàng được nhận định vẫn đi ngang về tăng trưởng.
Theo các chuyên gia FIDT, mặc dù thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng tốc độ giảm lãi suất cho vay lại thấp hơn, khiến NIM vẫn được duy trì. Bên cạnh lãi từ tín dụng, hiện nay, nhiều ngân hàng đã thu tỷ trọng lớn từ dịch vụ - vốn không giảm quá mạnh trong đại dịch.
Nếu dịch được kiểm soát trong quý IV, các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu vốn vay tăng mạnh để thúc đẩy sản xuất và phục hồi, các ngân hàng sẽ có dư địa tăng trở lại và hưởng lợi từ quá trình này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận