Kỳ vọng lớn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các khía cạnh như quy mô, thanh khoản, thành viên, đặc biệt là giúp cải thiện tính công khai, minh bạch cho thị trường, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Quy mô giao dịch ngày càng phát triển
Ngày 19.7.2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) chính thức vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đánh dấu bước phát triển quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khi lần đầu tiên thị trường này được quản lý giao dịch tập trung với phương thức giao dịch thỏa thuận (thỏa thuận thị trường và thỏa thuận thông thường) thông qua các thành viên giao dịch.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có quy mô giao dịch tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp, giúp các doanh nghiệp huy động được dòng vốn lớn từ nhà đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tại thời điểm khai trương cách đây tròn 1 năm, thị trường có 19 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỉ đồng. Đến ngày 30.6.2024, quy mô thị trường đã lên tới 997 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 259 tổ chức phát hành, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 706.236 tỉ đồng.
Hệ thống thành viên giao dịch TPDNRL cũng phát triển nhanh chóng, từ 5 thành viên tại ngày khai trương và đến ngày 30.6.2024, đã có 48 thành viên giao dịch, gồm 44 công ty chứng khoán và 4 ngân hàng thương mại. Trong đó, 45/48 thành viên có giao dịch trên hệ thống giao dịch của HNX.
Thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được cải thiện rõ rệt, giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng đầu tiên khai trương đạt 250 tỉ đồng/phiên và đến cuối tháng 6.2024 đạt bình quân hơn 4.000 tỉ đồng/phiên.
Các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là trái phiếu của tổ chức tín dụng (chiếm tỉ trọng 45,71% toàn thị trường, tương ứng giá trị giao dịch 324.246 tỉ đồng), tiếp đến là trái phiếu của các công ty bất động sản (chiếm gần 30% giá trị giao dịch của thị trường, tương ứng giá trị giao dịch 212.577 tỉ đồng).
Đặc biệt, thị trường thứ cấp phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường sơ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Theo thống kê, từ ngày 19.7.2023 đến ngày 30.6.2024, có 118 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với giá trị 351.739 tỉ đồng. Các tổ chức phát hành cũng thực hiện mua lại trước hạn, với tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 182.900 tỉ đồng.
Thị trường thứ cấp phát triển góp phần thúc đẩy thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Định hướng tương lai
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, tạo kênh huy động vốn chủ động cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng… Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường TPDN nói chung, TPDNRL nói riêng đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng thúc đẩy thị trường vận hành an toàn, lành mạnh và minh bạch.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), việc vận hành thị trường TPDNRL giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của một mảng thị trường quan trọng, góp phần vào việc phát triển và ổn định thị trường chứng khoán, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế; đồng thời, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDNRL từ sơ cấp đến thứ cấp, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua, bán trái phiếu...
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital - cho rằng, nỗ lực minh bạch hóa thị trường của nhà quản lý, nhất là cơ quan trực tiếp vận hành là HNX đã góp phần quan trọng hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, thúc đẩy thanh khoản và tính hiệu quả của thị trường này.
Hiện nay, nhà đầu tư thứ cấp hoàn toàn có quyền và có khả năng truy cập, tiếp cận tất cả các thông tin về TPDN một cách đầy đủ nhất trước khi ra quyết định đầu tư. Quan trọng hơn cả là nhà đầu tư sẽ nhận được các cảnh báo rõ ràng, đầy đủ về TPDNRL như trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trách nhiệm của nhà đầu tư và của cơ quan quản lý. Điều này góp phần nâng cao tính cẩn trọng của các nhà đầu tư khi đầu tư vào TPDNRL.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc giảm dần tỉ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào TPDNRL. Để thị trường trái phiếu phát triển bền vững, cần nâng cao kiến thức nhà đầu tư cá nhân. Khuyến khích nhà đầu tư cá nhân có thể ủy quyền cho đơn vị đại lý tìm hiểu kỹ về trái phiếu, chịu trách nhiệm về sản phẩm họ chào cho nhà đầu tư mua. Các cơ quan quản lý cũng cần sớm có cơ chế thu hút các nhà đầu tư tổ chức, TS Phương nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận