Kỳ vọng là thành tựu lớn cho Trung Quốc trong năm 2020, lời hứa hàng đầu của Chủ tịch Tập bất ngờ "rơi thế khó"
Năm 2020 vốn dĩ được kỳ vọng sẽ là thời điểm Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt đói nghèo tuyệt đối tại Trung Quốc nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thứ thay đổi.
CNN đăng tải, năm 2020 vốn dĩ được kỳ vọng sẽ là thời điểm Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt đói nghèo tuyệt đối tại Trung Quốc và hoàn thành một cam kết chủ chốt của Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời là một trong những sứ mệnh cơ bản mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra.
Tuy nhiên, đại dịch virus corona mới đã "xé toang" nền kinh tế thế giới.
Hồi tháng một và hai, Trung Quốc đóng cửa một loạt nhà máy nhằm kiềm chế dịch bệnh lay lan, dẫn tới nền sản xuất và tỷ lệ công ăn việc làm tại nước này bị thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng trong quý một 2020, kinh tế Trung Quốc sụt giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tháng năm vừa qua, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh không đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong kỳ họp quốc hội thường niên.
Kể từ đó, Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Mặc dù đã có những dấu hiệu hồi phục nhưng con đường phía trước được đánh giá là vẫn còn rất chông gai và chậm chạp.
Trong buổi họp báo sau kỳ họp quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận, đại dịch COVID-19 đã khiến một bộ phận người dân Trung Quốc rơi vào tình trạng đói nghèo.
"Trước đại dịch COVID-19, có khoảng 5 triệu người sống dưới mức đói nghèo. Nhưng bởi vì dịch bệnh, một số người có thể đã quay trở lại tình trạng đói nghèo", ông Lý nói. "Vì vậy, chúng tôi giờ đây đối mặt một nhiệm vụ khó khăn hơn để đáp ứng mục tiêu của mình".
Giới chuyên gia nhận định, cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện được cam kết phần lớn sẽ phụ thuộc vào tốc độ Bắc Kinh đưa đất nước quay trở lại vận hành như bình thường.
"Chừng nào tỷ lệ có việc làm tiếp tục hồi phục hoặc hầu như phục hồi vào cuối năm, Trung Quốc sẽ thực sự tới gần các mục tiêu xóa đói giảm nghèo của họ", ông Scott Rozelle, đồng giám đốc Chương trình Hành động Giáo dục Nông thôn (REAP) của Đại học Stanford đánh giá. "Tuy nhiên, có rất nhiều thứ chỉ ra, đây là một vấn đề kéo dài".
Trong phần lớn thế kỷ 20, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Bắc Kinh định nghĩa chuẩn đói nghèo tuyệt đối là những người có thu nhập chưa tới 324 USD/năm (2.300 tệ) – thấp hơn một nửa so với chuẩn đói nghèo của Ngân hàng Thế giới (thu nhập dưới 700 USD/năm). Theo tiêu chuẩn của chính phủ Trung Quốc, năm 1990, có gần 658 triệu người dân Trung Quốc sống dưới mức nghèo đói.
Tuy nhiên, con số trên đã giảm một cách nhanh chóng. Năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố, chỉ có 115 triệu người bị coi là đói nghèo tuyệt đối. Cuối năm ngoái, với chỉ còn chưa đầy 10 triệu người trong tình trạng đói nghèo, Trung Quốc đang trên đường đạt được mục tiêu của mình.
Giáo sư Shenjing He từ Đại học Hong Kong cho hay, mặc dù Trung Quốc chỉ còn một số lượng nhỏ người dân thuộc chuẩn nghèo tuyệt đối, nhưng những người này lại là những người bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.
"Họ là những người thực sự phải chịu đựng những vấn đề của tình trạng nghèo đói", bà He nói. "Họ sống trong những tình trạng vô cùng nghèo nàn và thường cư ngụ tại các vùng núi và địa điểm xa xôi".
Chính phủ Trung Quốc cam kết dành ra 20,6 tỷ USD cho công tác xóa đói giảm nghèo trong năm 2020 – một con số không bao gồm các nguồn ngân sách bổ sung từ các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân như Alibaba hay Tencent…
Ngân sách trung ương được phân bổ ở mức độ địa phương và mỗi tỉnh, thành phố và thị trấn chấm dứt đói nghèo như thế nào phụ thuộc chủ yếu vào giới chức địa phương. Mục tiêu của chiến thuật này, theo Chủ tịch Tập là tạo ra những chính sách riêng biệt dành cho các khu vực cụ thể. Hơn 750.000 công viên chức đã được cử về các làng quê để đánh giá tình trạng đói nghèo; các biện pháp giải quyết cũng khá đa dạng phụ thuộc vào tình hình và điều kiện của mỗi địa phương.
Giáo sư He cho hay, trong năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã thành lập các cơ quan khoa học trong nước để giám sát chặt chẽ quá trình xóa đói giảm nghèo, để đảm bảo hoàn thành được mục tiêu trong "một năm rất quan trọng". "Các đồng nghiệp của tôi tại Trung Quốc tin tưởng, chính phủ sẽ thực hiện được cam kết mà không phải đối mặt với vấn đề lớn nào", bà nói.
Hàng triệu người thất nghiệp
Các chuyên gia độc lập cảnh báo, rất khó có được một bức tranh chính xác về tình trạng đói nghèo tại Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau; tuy nhiên đang tồn tại những dấu hiệu về việc người nghèo Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Trong tháng hai, tỷ lệ thất nghiệp chính thức tại Trung Quốc tăng 6,2%. CNN tính toán, tỷ lệ này có thể tương đương với 29 triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, con số chính thức lại không bao gồm cộng đồng người dân ở nông thôn hay 290 triệu người lao động mùa vụ làm việc trong các ngành có thu nhập thấp nhưng thiết yếu như xây dựng, sản xuất…
Theo chuyên gia kinh tế Zhang Bin tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nếu tính cả những lao động mùa vụ, tính tới cuối tháng ba, con số thất nghiệp có thể lên tới 80 triệu người.
"Cơn bão lớn"
Một cuộc điều tra của REAP trên các gia đình ở nông thôn Trung Quốc chỉ ra, trong bốn tháng đầu năm 2020, 92% người trả lời ở nông thôn bị giảm sút thu nhập do các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.
"Trong toàn bộ một tháng, tỷ lệ có việc làm ở vùng nông thôn là 0 sau khi cách ly bắt đầu được thực hiện", báo cáo điều tra viết. Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho hay, 80% lao động nông nghiệp Trung Quốc thừa nhận, thu nhập của họ giảm hơn 20%.
Bên cạnh dịch bệnh, từ tháng sáu, một số vùng tại Trung Quốc còn phải đối mặt với nạn lụt lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại. Theo truyền thông nước này, hàng chục nghìn người sinh sống dọc sông Dương Tử đã bị mất nhà cửa và ít nhất 12 triệu người bị ảnh hưởng bởi lụt lội; nền kinh tế cũng thiệt hại tới 3,6 tỷ USD.
Phó giáo sư John Donaldson từ Đại học Quản lý Singapore nhận định, bằng nhiều cách khác nhau, COVID-19 trở thành "một cơn bão lớn" đối với những người nghèo tại Trung Quốc và tác động tới nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Các nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất, một phần vì lo ngại virus, công trình xây dựng dừng hoạt động, thậm chí các khách sạn vốn mua thực phẩm từ nông thôn cũng hạn chế kinh doanh", ông Donaldson nói. Ngoài ra, giới chức địa phương cũng dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống virus thay vì các biện pháp xóa đói giảm nghèo.
Thông điệp từ Bắc Kinh
Bất chấp những khó khăn, Bắc Kinh vẫn đang triển khai một chiến dịch nhằm tái trấn an người dân rằng, chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu của mình.
Hồi đầu tháng 6, Chủ tịch Tập đã tới thăm các gia đình ở tỉnh Ninh Hạ và thị sát một cơ sở lao động được thành lập bằng nguồn vốn xóa đói giảm nghèo.
Theo giới quan sát, gần như chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ không công bố mình không đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào năm cuối năm 2020. Ông Donalson chỉ ra, các mục tiêu sẽ được hoàn thành hoặc làm "biến hóa" sao cho có thể nói là chúng đã được hoàn thành.
Cùng lúc, vẫn tồn tại những lo ngại rằng, ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện được mục tiêu chấm dứt đói nghèo tuyệt đối vào cuối năm, để cải thiện được cuộc sống của hàng trăm triệu dân, Trung Quốc vẫn còn phải đi một con đường rất dài. Chuyên gia Donaldosn cảnh báo, một khi chính phủ tuyên bố đã hoàn toàn xóa bỏ tình trạng nghèo tuyệt đối, các chính quyền địa phương sẽ không còn coi đói nghèo là một vấn đề quan trọng, bất chấp hàng triệu người vẫn đang cần được hỗ trợ khẩn cấp.
"Rốt cuộc là: nếu đói nghèo được xóa bỏ, còn bao nhiều người nghèo sau chiến dịch này? Không ai biết được", ông Donaldson đặt câu hỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận