Kỳ vọng hạ lãi suất của Fed ngày càng giảm đáng kể
Thị trường đã giảm đáng kể kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất, với kinh nghiệm từ Úc và New Zealand, khi lạm phát vẫn cao và việc làm ổn định, các ngân hàng trung ương sẽ có ít cơ hội để cắt giảm lãi suất.
Vào cuối năm 2023, các nhà đầu tư đã bị thuyết phục rằng, lãi suất ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ giảm mạnh trong năm nay, sau tín hiệu bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 12 về chiến dịch thắt chặt tiền tệ đã kết thúc, dự kiến chi phí vay sẽ giảm khoảng 0,75 điểm phần trăm vào năm 2024.
Do đó, ngay từ đầu năm, giới đầu tư đã đặt cược Fed sẽ giảm lãi suất tới 1,5 điểm phần trăm trong năm nay. Deutsche Bank đã chỉ ra trong một báo cáo được công bố hôm đầu tuần, điều này tiếp tục là một chủ đề nóng mà các nhà đầu tư đã nhiều lần định giá thị trường theo trục ôn hòa. Tuy nhiên, liệu chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã thực sự kết thúc hay chưa thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Thực tế, việc cắt giảm lãi suất không hề đơn giản. Như tại Úc, trong cuộc họp chính sách cuối cùng vào ngày 6/2 mới đây, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vẫn tranh luận về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không, vì lạm phát tăng cao liên tục ở mức 4,1% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Con số này cao hơn đáng kể so với phạm vi mục tiêu 2-3% của RBA.
Tăng trưởng tiền lương ở Úc cũng tăng tốc trong quý trước, tăng 4,2% trên cơ sở hàng năm, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. RBA dự đoán, lạm phát lõi hoặc cơ bản sẽ chỉ quay trở lại điểm giữa của phạm vi mục tiêu vào năm 2026. Điều này như muốn nhấn mạnh sự ổn định của giá cả và nhu cầu duy trì chính sách hạn chế trong một thời gian nữa.
Các nhà kinh tế cho rằng, khả năng phục hồi của nền kinh tế Úc trước sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí đi vay thể hiện rõ nhất ở thị trường nhà đất, nơi giá nhà phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái sau một đợt suy thoái ngắn và đã tăng trong 12 tháng liên tiếp. Dữ liệu từ công ty phân tích tài sản, thông tin và dữ liệu CoreLogic chỉ ra, giá nhà ở Sydney - thị trường đắt đỏ nhất trong tháng 1 chỉ thấp hơn 2,4% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 1/2022.
Quốc gia này cũng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh là một trong những thị trường bất động sản dễ bị tổn thương nhất, vì tỷ lệ thế chấp có lãi suất thay đổi cao; thị trường lao động chặt chẽ; và mức lãi suất ròng cao.
Còn tại New Zealand, lạm phát đứng ở mức 4,7% - cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này và cao hơn hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác. Trước đó, một số nhà phân tích dự báo New Zealand sẽ phải tăng lãi suất, nhưng vào ngày 28/3, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã giữ nguyên lãi suất chính mặc dù vẫn coi lạm phát cao là mối đe dọa lớn so với mức tăng trưởng đang yếu hơn. RBNZ chỉ dự kiến sẽ bắt đầu chính sách nới lỏng vào năm tới.
Ông Adrian Orr, thống đốc RBNZ cảnh báo các nhà đầu tư không nên liều lĩnh trong thời điểm này. Ông đã tóm tắt những khó khăn mà các ngân hàng trung ương gặp phải trong việc báo hiệu những thay đổi trong chính sách. Cũng giống như thị trường có xu hướng đọc quá nhiều thông tin từ những gợi ý của các nhà hoạch định chính sách, bản thân các ngân hàng trung ương cũng cần phải cẩn thận hơn về những gì họ nói và cách họ nói.
Chia sẻ trên SCMP, ông Nicholas Spiro chuyên gia kinh tế tại Lauressa Advisory đánh giá, với tư cách là ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới, Fed đang trong tình thế “đi trên dây”. Kể từ khi Chủ tịch Jerome Powell đưa ra thông điệp vào tháng 12 năm ngoái bằng cách tiết lộ rằng, Fed đã thảo luận về thời điểm nên bắt đầu chính sách nới lỏng, thì sau đó các quan chức Fed đã phải đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ.
“Vấn đề là thị trường lao động Hoa Kỳ được theo dõi chặt chẽ vẫn còn mạnh mẽ một cách đáng kể. Quá trình giảm phát đã bị đình trệ, khi cả lạm phát cơ bản và lạm phát lõi đều tăng nhẹ trong tháng 1/2024. Trước đó, nhiều nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng, thì kịch bản “không hạ cánh” ngày càng có vẻ hợp lý”, vị chuyên gia bày tỏ.
Theo Bank of America, ngay cả ở khu vực đồng Euro, nơi nền kinh tế yếu hơn nhiều, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục và lạm phát cơ bản đang tỏ ra khó khăn. Tăng trưởng mạnh ở Mỹ và tăng trưởng yếu ở khu vực đồng Euro vẫn là một câu đố.
Điều này như là một lời cảnh báo rằng, con đường đi đến cắt giảm lãi suất không phải là cuộc đặt cược một chiều. Mặc dù cả Úc và New Zealand từ chối loại trừ việc thắt chặt bổ sung và việc tăng lãi suất hơn nữa ở cả hai quốc gia là khó xảy ra, nhưng còn nhiều điều chưa thể đoán trước do áp lực lạm phát dai dẳng và khả năng xảy ra nhiều cú sốc địa chính trị hơn.
Các nhà đầu tư đang phải chịu phần lớn rủi ro về sự biến động cực độ của thị trường lãi suất. Các ngân hàng trung ương hàng đầu, đặc biệt là Fed đều hiểu rằng, để lãi suất quá cao trong thời gian quá lâu là một rủi ro lớn, nhưng việc cắt giảm lãi suất sớm còn là rủi ro lớn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận