Kỳ vọng “hạ cánh mềm” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
Áp lực trả nợ trái phiếu trong năm 2024 vẫn lớn, vì vậy kỳ vọng Nghị định 08/2023 sẽ được gia hạn một khoảng thời gian nữa nhằm giúp thị trường “hạ cánh mềm”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững, FiinRatings - khi trao đổi với phóng viên.
- Xin ông cho biết, năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ sẽ chứng kiến những biến động đáng chú ý nào và các yếu tố kinh tế vĩ mô, cũng như chính sách tiền tệ sẽ có ảnh hưởng ra sao đến thị trường này?
Về cơ bản bối cảnh kinh tế vĩ mô đang hồi phục và niềm tin kinh doanh cải thiện nên nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực sẽ tăng trở lại. Điều này sẽ làm tiền đề cho các kênh huy động vốn dài hạn như TPDN phát triển trở lại.
Mới đây nhất, Fitch Ratings cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+ vào đầu tháng 12/2023 cũng đã phản ánh những thay đổi tích cực về vĩ mô của Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế. Thực tế, Việt Nam vẫn duy trì được thặng dư thương mại lớn cùng với dòng tiền kiều hối vào những tháng cuối năm đã góp phần cải thiện nguồn vốn dữ trữ ngoại hối của Việt Nam.
Môi trường lãi suất tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay cũng sẽ là tiền đề quan trọng nhằm góp phần tạo cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi lãi suất thấp duy trì thời gian dài thì các định chế tài chính và cả nhà đầu tư cá nhân có quy mô tài sản lớn sẽ tìm kiếm kênh đầu tư có mức độ lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro cao hơn thay vì duy trì tiền gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu chính phủ với mức lãi suất thấp như hiện nay.
Một điểm đáng lưu ý chính là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành nhằm hoãn một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, trong thời gian qua thị trường đã có thời gian chuẩn bị để thích ứng với những quy định của Nghị định 65, đặc biệt là quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm có điều kiện, năm 2024 sẽ là thời gian kiểm chứng cho việc thích nghi của thị trường, do đó dù không có đột phá, nhưng nếu đáp ứng tốt các yêu cầu của Nghị định, thị trường sẽ tăng trưởng theo một định hướng bền vững và hiệu quả hơn.
- Theo quan điểm của ông, những thách thức lớn nhất đối với các nhà phát hành và đầu tư TPDN riêng lẻ hiện nay là gì? Cơ hội nào đang mở ra trong bối cảnh hiện tại?
Thách thức lớn theo chúng tôi vẫn là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tăng mạnh trong năm 2024. Điều này sẽ làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn tiền để trả nợ gốc và lãi trái phiếu đáo hạn năm nay và cả năm 2025.
Nguy cơ mất khả năng thanh toán của một số doanh nghiệp cao hơn, dẫn đến việc chậm trả trái phiếu, từ đó tiếp tục gây mất lòng tin của nhà đầu tư trong bối cảnh niềm tin đang được xây lại từ đầu chậm rãi nhưng cũng mong manh
Tính đến ngày 5/2/2024, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng TPDN đang lưu hành, hiện có khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, nếu loại bỏ 384,5 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng, thì số dư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu hành là 722,78 nghìn tỷ phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng.
Trong số này, chúng tôi muốn lưu ý đến rủi ro đến từ: (i) trái phiếu bất động sản có số dư ở mức 382.000 tỷ đồng; (ii) trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72.500 tỷ đồng và (iii) trái phiếu ngành du lịch và giải trí ở mức 75.800 tỷ đồng. Đây là những ngành theo chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động.
Ngoài ra, thách thức lớn cho thị trường TPDN riêng lẻ vẫn là câu chuyện làm sao cần phát triển cơ sở nhà đầu tư. Hiện chủ yếu trái phiếu được mua bởi các ngân hàng thương mại trong khi các định chế tài chính đầu tư khác còn tham gia ở quy mô nhỏ hoặc rất hạn chế. Thị trường trái phiếu riêng lẻ nên được định hướng là thị trường của các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay thách thức là chưa có hàng hóa đủ tốt để mua hoặc còn nhiều rào cản. Ví dụ, các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư của họ hiện đang quản lý khoảng 35 tỷ USD nhưng còn rất hạn chế tham gia vào TPDN, nhất là sau khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm đi vào hiệu lực từ đầu năm 2023 không cho phép các đơn vị này đầu tư vào trái phiếu có mục đích cơ cấu lại nợ. Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tốt nhưng họ chủ động tái cơ cấu trúc nợ như là một hoạt động quản trị chiến lược tài chính của họ.
- Trong năm qua, Nghị định 08/2023 đã có ảnh hưởng nhất định đến thị trường, vậy năm nay, câu chuyện chính sách nên theo hướng nào để tạo thuận lợi cho thị trường, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng Nghị định 08 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình như đã đề ra, tạo ra một khoảng thời gian phù hợp để các thành viên thị trường thích nghi và sẵn sàng cho những thay đổi mang tính bền vững của Nghị định 65. Về hướng tiếp theo, do áp lực trả nợ trái phiếu vẫn lớn nên chúng tôi kỳ vọng Nghị định 08 sẽ được gia hạn một khoảng thời gian nữa nhằm giúp thị trường “hạ cánh mềm” – tức là tổ chức phát hành và nhà đầu tư có điều kiện tiếp để cơ cấu hoặc tái cấu trúc lại nợ tín dụng trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn mới về chuẩn hóa điều kiện phát hành trong đó có quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm nên được áp dụng cho các đợt phát hành mới như quy định tại Nghị định 65 hiện nay. Bởi đây là các yếu tố mang tính nền tảng dài hạn nhưng trước mắt áp dụng cũng sẽ có mức độ ảnh hưởng rất thấp đến doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp hạn chế những vấn đề có thể phát sinh trong tương lai như thời gian vừa qua.
Điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh là chỉ nên áp dụng quy định mới cho các đợt phát hành mới từ đầu năm 2024 trong khi đó số dư trái phiếu hiện nay nên được xem xét cho phép tiếp tục tái cơ cấu lại nếu như tổ chức phát hành và trái chủ muốn.
Có thể cơ quan quản lý sẽ có những đánh giá lại và điều chỉnh sau khi quan sát diễn biến, nhưng thị trường đã có đủ thời gian chuẩn bị. Điều quan trọng là từ các chủ thể nhà phát hành, nhà trung gian và nhà đầu tư cần chủ động tuân thủ, minh bạch trong công bố thông tin để thị trường có thể khôi phục niềm tin, từ đó thị trường sẽ dần đi vào phát triển theo chiều sâu và tránh các vấn đề hiện nay sẽ lặp lại trong các năm tới đây.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận