Kỳ vọng gì với cuộc gặp trực tiếp của lãnh đạo Mỹ - Trung?
Khi hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm, Mỹ và Trung Quốc đang xích gần nhau trong hơn 3 thập kỷ, dù còn có những khác biệt.
“Quỹ đạo quan hệ song phương đang tích cực, và điều đó phục vụ cho lợi ích của cả hai nước chúng ta”, ông Biden nói hồi năm 2011, khi ông thăm Bắc Kinh trên cương vị phó tổng thống để xây dựng quan hệ với người chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Ngồi với ông Tập trong một khách sạn ở Bắc Kinh, ông Tập nói trước các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ - Trung về “sự lạc quan lớn với 30 năm tới” của quan hệ giữa hai nước và khen ngợi ông Tập “thẳng thắn”.
“Chỉ có những người bạn và những người bình đẳng mới có thể vì nhau bằng cách thẳng thắn và trung thực”, ông nói.
Hôm nay, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau tại Bali, Indonesia, bên lề thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, không khí trong phòng chắc chắn không dễ chịu như lần gặp trước.
Sự tích cực và lạc quan cách đây 1 thập kỷ đã bị thay bằng thái độ nghi ngờ và thù địch. Khi ông Biden trở lại Nhà Trắng với cương vị tổng thống, ông được trao cho một quan hệ Mỹ - Trung đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với sự căng thẳng trên khắp các lĩnh vực, như thương mại, công nghệ, địa - chính trị và ý thức hệ.
Cuộc gặp trực tiếp lần này giữa ông Tập và ông Biden diễn ra vào thời điểm quan trọng với cả hai. Ông Tập vừa được bầu lãnh đạo nhiệm kỳ 3, trở thành nhà lãnh đạo có vị thế cao nhất của Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông.
Còn ông Biden đến châu Á sau khi thu được kết quả tốt hơn kỳ vọng tại cuộc bầu cử giữa kỳ, giúp đảng Dân chủ giữ được Thượng viện. Khi được hỏi rằng liệu kết quả này có giúp ông mạnh mẽ hơn trước khi bước vào cuộc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không, ông Biden trả lời tự tin: “Tôi biết tôi sẽ đến với vị thế mạnh hơn”.
Cuộc gặp diễn ra giữa rất nhiều vấn đề khúc mắc. Khi thế giới vẫn đang chia rẽ về cuộc xung đột ở Ukraine, cố gắng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sự tàn phá của biến đổi khí hậu, hai cường quốc cần làm việc với nhau hơn bao giờ hết để bảo đảm sự ổn định, thay vì để căng thẳng tiếp tục tăng lên giữa những đứt gãy địa- chính trị.
Tuy nhiên, kỳ vọng với cuộc gặp này không cao. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bất đồng trong hầu hết mọi vấn đề, từ Đài Loan (Trung Quốc), xung đột ở Ukraine, Triều Tiên, chuyển giao công nghệ và định hình trật tự thế giới.
Có lẽ điểm chung duy nhất của hai bên là hy vọng hạn chế về những gì diễn ra trong cuộc họp.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ông Biden muốn dùng cuộc gặp này để “thiết lập mức sàn”, nghĩa là ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến xung đột nóng. Mục tiêu chính của Mỹ không phải đạt được thoả thuận nào với Trung Quốc, mà chỉ để hiểu rõ hơn về ưu tiên của nhau và giảm hiểu nhầm, vị quan chức cho biết.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với báo chí rằng cuộc gặp khó dẫn đến bất kỳ bước đột phá hay dịch chuyển mạnh mẽ nào trong quan hệ song phương.
Tâm trạng từ phía Trung Quốc cũng tương tự. GS. Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân nhân ở Bắc Kinh, nói rằng sẽ là “kỳ vọng thái quá một cách sai lầm” nếu tin rằng cuộc gặp này có thể dẫn đến sự cải thiện đáng kể và lâu dài cho quan hệ giữa hai siêu cường.
“Vì Trung Quốc và Mỹ đều trong trạng thái cạnh gần như đối đầu hoàn toàn, nên sẽ không có nhiều khả năng để có thể hy vọng hai bên thực sự làm rõ những vấn đề lớn”, GS. Shi nói.
Vấn đề lớn nhất là hai nước nhìn nhận động cơ của nhau như thế nào, cũng như những mục tiêu của đối phương gây hại cho lợi ích của mình như thế nào.
“Người Trung Quốc tin rằng mục tiêu của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc. Và Mỹ tin rằng mục tiêu của Trung Quốc là phổ biến mô hình quản trị của họ, đẩy Mỹ khỏi châu Á và làm suy yếu hệ thống liên minh của Mỹ”, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận