Kỳ vọng gì từ mạng lưới đường sắt trên cao?
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xem là một trong những dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển “giao thông xanh” của thủ đô cũng như cả nước.
Cát Linh – Hà Đông: Điểm sáng trong bức tranh đường sắt đô thị
Những năm gần đây, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Có thể thấy, “mạch máu” giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Một trong số những công trình giao thông trọng điểm được đông đảo người dân Thủ đô kỳ vọng là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, sau hơn 2 tháng vận hành thương mại, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đón hơn 1 triệu hành khách.
TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao việc đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác sau 10 năm đầu tư xây dựng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Qua dự án này, thành phố Hà Nội sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đã và đang triển khai tại Thủ đô. Ðiều quan trọng nhất là từ hoạt động của tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, mở ra kỳ vọng thay đổi văn hóa giao thông ở các đô thị lớn hiện nay, nhất là ở Thủ đô Hà Nội.” – TS cho biết thêm.
Đường sắt 2A: hành trình không đơn độc
Đằng say kỳ vọng, dư luận đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của dự án khi mà sau hơn 10 năm triển khai, Hà Nội vẫn chỉ có một đoạn tuyến dài 13km.Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường thẳng thắn nhận định:
“Trước khi tiếp nhận, khai thác tuyến, tôi từng ví tuyến đường sắt đô thị này như một “ngôi sao cô đơn” bởi chưa có các tuyến đường sắt khác để kết nối. Mong muốn của chúng tôi là thành phố sớm triển khai và hoàn thành các dự án đường sắt đô thị khác trong quy hoạch để tạo thành mạng lưới có độ phủ rộng khắp, thực sự tiện ích cho người tham gia giao thông”.
Đồng quan điểm với TS Vũ Hồng Trường, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng phân tích thêm:
“Chúng ta hình dung giao thông đường sắt trên cao như dòng sông chính, còn các tuyến xe buýt kết nối như các dòng thu gom. Không gom, dòng sông chính không có nước. Hiện chỉ có một tuyến đường sắt trên cao và một tuyến BRT thì khó giải quyết nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng. Theo tôi, ít nhất trước mắt cần 5-7 tuyến metro đi vào hoạt động, BRT cần thêm 10-12 tuyến và các tuyến xe buýt cỡ nhỏ. Khi đó sẽ hình thành mạng lưới, tạo thành các dòng chuyên chở đồng bộ. Bởi vậy, Hà Nội muốn tăng lượng khách sử dụng tuyến này phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng kết nối với metro.”
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, tỷ trọng vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện còn rất thấp, mới đạt khoảng 17%. Hà Nội đã xác định phải nâng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng lên 30-35% trong giai đoạn trước mắt. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa.
Khi nào thủ đô sẽ hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị?
Từ thực tế cho thấy, những hạn chế hiện nay của tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông đòi hỏi thủ đô phải sớm tăng cường năng lực cho hệ thống vận tải công cộng, để người dân có thể đi từ tuyến này nối sang tuyến kia. Còn hiện tại kết nối chủ yếu bằng xe buýt và đi bộ hoặc các phương tiện cá nhân.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 sẽ có 10 tuyến cùng hàng trăm ga kết nối xuyên tâm và vành đai. Trong thời gian tới, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được kéo dài thêm 20km từ Hà Đông đến Xuân Mai. Đáng chú ý, khởi công cách đây hơn 11 năm, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội chạy 8km đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dự kiến khai thác vào cuối năm 2022. Đến năm 2024-2025 có thể đưa nốt hơn 4 km tàu điện chạy ngầm. Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, mốc thời gian này hoàn toàn khả thi.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thẳng thắn chia sẻ: ""Chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học để chuẩn bị các công trình tiếp theo. Với tốc độ như hiện nay, cần 8-10 năm mới xây xong một tuyến đường sắt, do vậy Hà Nội phải có giải pháp đột phá để thực hiện.”
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận