Kỳ vọng chứng khoán Việt Nam vượt qua ‘cơn bão’
Ông Michael Kokalari - Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital (một trong những công ty quản lý đầu tư lớn nhất tại Việt Nam) cho biết: “Kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững, chúng tôi tin rằng cũng chính điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vượt qua được ‘cơn bão’ đang tác động đến các TTCK quốc tế hiện nay”.
Trên TTCK đang tồn tại sự phân hóa hiệu quả đầu tư khá rõ rệt giữa các ngành khác nhau do sự khác biệt giữa các yếu tố cơ bản. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm được chỗ trú ẩn trong các cổ phiếu “phòng thủ”.
Theo VinaCapital, có 3 lĩnh vực nổi bật hiện nay của Việt Nam là: Dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin. Từ trước tới nay, giá cổ phiếu của các lĩnh vực này vẫn tăng, được hỗ trợ bởi kết quả quý I/2022 tốt và bởi các yếu tố cơ bản khác. VinaCapital cũng lưu ý: Quý I/2022, lợi nhuận của các công ty ngành vật liệu tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy bởi mức tăng lợi nhuận khoảng 8 lần của các công ty phân bón; lợi nhuận của các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 45%; lợi nhuận của công ty ngành tài chính tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt 36% trong năm tài chính 2022.
Thời gian dài qua, theo ông Michael Kokalari, việc giảm điểm của TTCK Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu dù áp lực bán tháo ngày càng tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ; sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu. “Tuy nhiên, không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết”, ông Michael Kokalari cho biết.
Kinh tế trưởng của VinaCapital phân tích: Quý I/2022, mức lợi nhuận các công ty niêm yết tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và hy vọng con số cả năm cũng sẽ ở mức 30%. Giá trị của tiền VNĐ gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù chỉ số USD/DXY tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện VinaCapital tin rằng, khả năng phục hồi của tiền VNĐ bất chấp sự tăng giá mạnh của đồng USD là một chỉ báo chính xác về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cũng như sự tăng trưởng của thị trường.
Báo cáo mới nhất về TTCK Việt Nam, các chuyên gia của ngân hàng HSBC cho biết: “Số người tìm việc ở các nhà máy mới tăng lên trên khắp cả nước, họ có thu nhập ổn định, lương cao hơn và có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc khoản vay thế chấp. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu của TTCK. Trong khi các công ty thuộc nhóm tiêu dùng từng thống trị trong năm 2015 thì hiện nay, các mã tài chính và bất động sản lại chiếm phần lớn trên thị trường”.
Nếu như trước đây, TTCK Việt Nam chủ yếu tập trung xoay quanh một vài cổ phiếu lớn, giờ tình hình đã khác. Nếu như năm 2013, năm cổ phiếu đứng đầu chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường thì năm 2022, con số này chỉ còn 25%. Nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường giờ đây chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch. Con số này tương đối thấp.
Những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường này không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài, mà là trong nước. TTCK chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản cá nhân tăng hơn hai lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.
Các nhà đầu tư trong nước chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 13%. Trên thực tế, thời điểm những nhà đầu tư cá nhân này tham gia thị trường cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài rút đi (tình hình này vẫn còn tiếp diễn, ít nhất là trong 27 trong 33 tháng vừa qua). Trong vài tuần vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại.
Các chuyên gia của Dragon Capital (DCVFM) nhận định: TTCK Việt Nam đã giảm về vùng định giá hấp dẫn và đang có dấu hiệu quá bán. Hiện các quỹ do DCVFM quản lý đã và đang chủ động tái cơ cấu danh mục để tận dụng tốt đợt điều chỉnh mạnh này của thị trường, tăng tỷ trọng các nhóm ngành và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong thời gian tới; qua đó giúp tăng hiệu quả đầu tư của các quỹ.
Khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nên đánh giá sự ổn định kinh tế vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng; định giá thị trường. “Nếu kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp, nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng cơ hội để đầu tư với mức giá hấp dẫn. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới”, chuyên gia của Dragon Capital khuyến nghị.
Đại diện HSBC cho biết: Lợi nhuận từ cổ phiếu đã duy trì tích cực ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 10% trong 10 năm qua. Việt Nam là một trong số ít thị trường trên thế giới có mức tăng trưởng lợi nhuận dương năm 2020 khi COVID-19 xuất hiện. Khi đại dịch lắng xuống, tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 đã tăng cao lên 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ TTCK và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả thay đổi này có thể giải quyết phần lớn những mối bận tâm của các nhà cung cấp chỉ số, kết quả là tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI (công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán, rủi ro danh mục đầu tư, phân tích hiệu suất và các công cụ quản trị cho các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ phòng hộ) đưa vào danh sách xem xét nhưng nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).
“Việc lọt vào danh sách xem xét của MSCI có thể dẫn đến nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ gia tăng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt”, HSBC nhận định.
Phiên sáng 24/5, sắc xanh đã quay trở lại Tạm thời kết thúc phiên sáng 24/5, VN-Index tăng 6,44 điểm (+0,53%), lên 1.225,25 điểm với 189 mã tăng và 212 mã giảm. Trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 230 triệu đơn vị, giá trị 5.851,7 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng 23/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,4 triệu đơn vị, giá trị 751,3 tỷ đồng. Trong phiên sáng 24/5, nhóm ngân hàng có mức tăng khá khởi sắc như: STB +3,4% lên 21.050 đồng/cổ phiếu; TPB +2,8% lên 30.850 đồng/cổ phiếu; CTG +2,8% lên 25.700 đồng/cổ phiếu; VPB +2,4% lên 30.000 đồng/cổ phiếu; VCB tăng 1,48%; MBB tăng 1,33%; BID tăng 1,2%. Đây là động lực chính giúp VN30-Index có mức tăng vượt trội so với VN-Index. Chốt phiên sáng 24/5, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,22%), lên 301,32 điểm với 72 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,3 triệu đơn vị, giá trị 724,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 1,98 tỷ đồng. Còn UpCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,78%), xuống 92,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,9 triệu đơn vị, giá trị 273,4 tỷ đồng. Sáng 24/5, khối ngoại quay lại mua ròng 167,8 tỷ đồng trên HoSE; 23,7 tỷ đồng trên UpCOM và bán ròng nhẹ trên HNX. Trong đó, cổ phiếu SSI vẫn đang bị xả lớn với -57,2 tỷ đồng; HPG -18,4 tỷ đồng; GAS -10,4 tỷ đồng; VND -26,33 tỷ đồng. Còn phía mua áp đảo tại DPM +54,9 tỷ đồng; DCM +54,3 tỷ đồng; STB +53,6 tỷ đồng; DGC +46 tỷ; CTG +19,8 tỷ đồng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận