menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hùng Dũng

Kỳ VII: Áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón là hợp lý nhất

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes, ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, việc không đánh thuế GTGT với phân bón (và một số sản phẩm nông nghiệp khác) chẳng khác gì “cháy nhà hai đầu”. Chuyên gia này đề xuất Nhà nước nên áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón.

Kỳ VII: Áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón là hợp lý nhất

Áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón là hợp lý nhất

Ưu đãi lại thành “ngược đãi”!?

PV: Là một chuyên gia cao cấp về thuế, theo ông Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có những tác động gì đối với mặt hàng phân bón?

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Đây là vấn đề mà tôi và nhiều chuyên gia kinh tế khác đều rất trăn trở. Bởi vì hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sản xuất nông nghiệp trước đây chịu thuế GTGT 5%, kể từ khi Luật Thuế 71 có hiệu lực thì thuộc đối tượng không chịu thuế.

Các nhà làm chính sách cũng như một số người chủ quan, duy ý chí cho rằng Luật Thuế 71 sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm và tiến tới thay thế nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, không áp thuế còn tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống người nông dân, giảm sức ép lên lạm phát… Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, ưu đãi đó hóa ra là… “ngược đãi” với cả doanh nghiệp và người nông dân. Thậm chí chúng tôi còn so sánh việc này chẳng khác nào “cháy nhà hai đầu”.

PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Chúng ta đều biết rằng thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ.

Như vậy, vô hình trung những ưu đãi từ Luật Thuế 71 chẳng khác gì ngược đãi với cả doanh nghiệp lẫn nông dân.

Phân bón là vật tư quan trọng số 1 với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt và ngành trồng trọt hiện chiếm 64-68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, không đánh thuế khiến ngân sách Nhà nước mất khoản thu, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế đầu vào là một đầu.

Việt Nam không đánh thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ nào ở trong nước thì cũng phải đối xử bình đẳng với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu. Không thể làm khác, vì đây là nguyên tắc trong các hiệp định thương mại tự do, cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (ở nước họ), nên rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận nông dân. Việc không đánh thuế đối với phân bón là chúng ta đã hỗ trợ hàng nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài và khiến doanh nghiệp nội điêu đứng - đó là đầu thứ hai.

Cũng chính vì điều này mà trong hàng chục năm qua, một số mặt hàng phân bón ngoại thường xuyên “neo” giá thấp hơn một chút so với phân bón nội. Cứ “ta” giảm một giá thì “họ” cũng lại giảm theo, khiến sức cạnh tranh của phân bón nội rất yếu - trong khi đó doanh nghiệp phân bón nội cũng không thể giảm giá mãi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã bỏ ra 4,448 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu; bỏ ra 1,214 tỉ USD để nhập khẩu phân bón. Nếu lấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản trừ đi kim ngạch nhập khẩu phân bón và thức ăn chăn nuôi, sẽ thấy GTGT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng chẳng còn được bao nhiêu.

PV: Với vấn đề đầu tư, Luật Thuế 71 có tác động như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ không có cơ hội để đầu tư thêm dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào mà không được khấu trừ, không được hoàn lại cho nên tích tụ và dồn vào giá thành.

Nếu như ta thực hiện áp thuế 5% thì phần đầu tư được kê khai khấu trừ, doanh nghiệp bớt khó khăn. Và trong thời gian đầu doanh nghiệp có thể lỗ một chút, nhưng sau khi mà sản xuất đi lên sẽ bù lại được và thuế suất 5% sẽ rất khuyến khích cho đầu tư.

Hiện tại cả nước có khoảng 1.000 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất lên đến hơn 40 triệu tấn/năm. Có 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.

Áp thuế 5% là hợp lý

PV: Một số chuyên gia cho rằng nên áp thuế 0% đối với mặt hàng phân bón, ông có đồng ý?

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Riêng với điều này tôi kịch liệt phản đối. Tôi cũng xin nhấn mạnh luôn là đừng bao giờ đưa ra ý tưởng đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và được tiêu dùng trong nội địa. Trên thế giới không nước nào làm như vậy. Người ta chỉ đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Nếu các nhà làm chính sách vẫn muốn áp thuế 0% thì theo tôi có 3 điều thiệt:

Thứ nhất, ngân sách Nhà nước đã không thu được thuế, lại còn phải hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu áp thuế suất 0% thì ngân sách Nhà nước phải hoàn thuế đầu vào cho họ, như vậy là chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, nếu áp thuế 0%, thì nông dân cũng không hạ được giá thành sản xuất vì không doanh nghiệp nào giảm giá bán nhờ được hoàn thuế, mà người ta bán theo giá thị trường.

PV: Vậy theo ông nên áp thuế như thế nào sẽ hợp lý?

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Đối với mặt hàng phân bón (và có thể là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi…) áp thuế 5% như trước đây là hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên áp thuế suất 10% vì ngân sách Nhà nước thu được thuế từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu rất lớn. Nhưng toàn bộ số tiền thuế này được cộng vào giá bán, nông dân sẽ phải chịu thuế.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kể từ năm 2023 là chính sách rất nhân văn đối với nông dân, nhưng trên thực tế, số thuế miễn hằng năm không nhiều. Mỗi nông dân được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không đáng kể, trong khi với tư cách là người tiêu dùng, nông dân phải nộp tất cả các loại thuế khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, để bảo đảm tính nhân văn, thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và tăng sức cạnh tranh của nông sản, thì áp mức thuế suất 5% là hợp lý nhất.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần thẳng thắn với nhau một điều rằng, khi áp thuế 5% thì giá phân bón cũng cần phải giảm tương ứng (dĩ nhiên còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như giá thế giới, hay giá nguyên liệu đầu vào...).

Lâu nay doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào nhưng khi áp thuế 5% thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, do đó giá cả cũng cần phải thay đổi. Việc này cần phải có sự giám sát của Quốc hội, của các cơ quan chức năng, của bà con nông dân... Nếu khi áp thuế GTGT 5% mà giá phân bón vẫn không giảm thì cần câu trả lời thỏa đáng của doanh nghiệp, thậm chí có thể mở các cuộc thanh tra, kiểm tra...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả