Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Giảm độ khó đề thi có bớt áp lực cho thí sinh?
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ đổi thành thi tốt nghiệp THPT, trong khi các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Nhiều ý kiến lo ngại sự thay đổi này khiến thí sinh áp lực.
Do bối cảnh của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch năm học 2019 - 2020 đã phải điều chỉnh, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố tinh giản chương trình Học kỳ 2 và triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình. Bên cạnh đó, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8/2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 01/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020). Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 03 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 02 bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH. Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp của 03 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 03 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 02 môn Lịch sử, Địa lí.
Thí sinh THPT phải thi 03 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; Thí sinh GDTX phải thi 02 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GDĐT cung cấp; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 01 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 tập trung đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thời gian và chương trình học, theo nguyên tắc "học gì thi nấy", đề thi sẽ được giảm độ khó và độ phân hóa phục vụ công tác tuyển sinh so với những năm trước.
Kỳ thi sẽ do UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế. Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng dấy lên nhiều lo ngại đối với học sinh và phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng học sinh sẽ rất áp lực và khó khăn nếu thay đổi phương án thi vào thời điểm này. Bởi lẽ, học sinh đã chuẩn bị 3 năm học và ôn tập hướng thi THPT quốc gia nhưng nay lại có sự thay đổi về phương án thi.
Thêm vào đó, một áp lực nặng nề khác là thí sinh không biết từng trường ĐH sẽ tuyển sinh riêng thế nào. Nhiều câu hỏi đã được phụ huynh và học sinh đặt ra xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận