Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới: 'Làm chơi, thành thiệt'
Với giống lúa ST25, Việt Nam lần đầu tiên đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới. Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của ST25 cũng không ngờ rằng sự kiện này lại chấn động đến giới truyền thông cũng như người tiêu dùng. Khởi động từ năm 1991, ông tưởng 'làm chơi', không theo cách hàn lâm, nhưng kết quả lại thành thiệt.
Những ngày cuối năm 2019, cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới Hồ Quang Cua có mặt ở Hà Nội để tham dự buổi lễ bình chọn 10 sự kiện nổi bật của CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tại đây, kỹ sư Hồ Quang Cua đã có những chia sẻ về hành trình tạo ra giống gạo ngon nhất thế giới, cũng như kế hoạch tương lai cho giống lúa này.
Ông có cảm nghĩ gì sau khi giống gạo ST25 được giải gạo ngon nhất thế giới?
Trước giờ họ đuổi theo gạo Miên, gạo Thái để ăn chẳng qua do Việt Nam chưa có hạt gạo nào được công nhận có đẳng cấp trên thế giới. Thái Lan, Campuchia từ lâu đã được vinh danh rồi. Gạo Việt Nam gần đây 3 lần lọt vào top 3 rồi, vào các năm 2017, 2018, đặc biệt năm 2019 thì đạt giải nhất. Người Việt cũng quay trở về với khuynh hướng dùng hàng nội. Họ bảo nhau rằng gạo Việt Nam ngon nhất thế giới rồi thì tại sao chúng ta phải đi tìm gạo nước khác mà ăn, tại sao không chọn gạo Việt
Điểm đặc biệt của hạt gạo ngon nhất thế giới là gì, thưa ông?
Các tiêu chí ngon trước đây mình thường dựa vào chuẩn từ gạo ngon Thái Lan. Nhưng sau này khi nghiên cứu thì chúng tôi tìm cách lai tạo những dòng "bố mẹ" khác để có được sự khác biệt.
Năm nay, Tổ chức thương mại gạo thế giới công nhận gạo Việt Nam đã hơn gạo Thái. Cũng có một điều đặc biệt khác, trong 11 năm tổ chức thì họ chỉ công nhận giống gạo mùa cổ truyền, tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp. Mỗi năm chỉ được một vụ. Còn hai giống ST24 và ST25 thì có thể trồng 2 vụ một năm. Trên cùng một đơn vị diện tích, trong một năm, ST25 có thể cung cấp sản lượng gạo ngon gấp 5 lần gạo lúa mùa của các nước xung quanh.
Làm thế nào để ông và các cộng sự có thể tạo ra được giống gạo ngon nhất thế giới?
Giai đoạn đầu chủ yếu chúng tôi tìm hiểu về yếu tố lịch sử vùng đất. Khi xưa Nam Kỳ đã nổi tiếng với gạo ngon, xuất khẩu đi Âu châu từ những năm 1914. Nhưng do chiến tranh, đến thời kỳ bao cấp phải tăng sản lượng khiến những chủng loại gạo đó dần bị mai một. Rồi sau này khi thử trồng lại một số giống lúa thơm thì nó cho phẩm chất tốt, năng suất cao. Những điều này cho thấy tiền đề để Việt Nam tạo ra gạo ngon là có. Chúng tôi nhen nhóm ý tưởng từ đó. Đến năm 1997, khi nghe tin Thái Lan tạo được 2 giống lúa thơm mà họ gọi là hạt vàng, tôi đặt vấn đề là tại sao họ làm được mà mình thì không. Thế là bắt tay làm.
Anh em bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền... từ năm 2002 bắt đầu lai tạo lúa. Trong vòng 6 năm thì chúng tôi có những thành quả đầu tiên. Đến năm 2014 thì nhóm bắt đầu đưa ra được những giống nổi tiếng ở thời điểm hiện tại. Sau năm đó thì đến giai đoạn khảo nghiệm quốc gia, cũng mất thời gian dài. Đến năm 2017 chúng tôi mang gạo đi thi quốc tế ở Ma Cao thì lần đầu tiên lọt vào top 3. Năm 2018 khi thi ở Hà Nội tiếp tục nằm trong top này. Đến năm 2019 thì đạt hạng nhất.
Đây là quá trình dài vừa học vừa làm, vừa cải tiến vừa nâng cao năng suất, chất lượng toàn diện của một cây lúa, để nó trở thành một hạt gạo ngon trên bàn cơm. Nó cần sự kiên trì, chuyên tâm học hỏi. Và một điều nữa, thật ra cũng giống như thống kê vậy, phải có yếu tố may mắn chứ không phải cứ làm là được.
Kế hoạch trong tương lai với giống lúa ST25 của ông là gì?
Nhưng ở phương diện phát triển thành tựu đó, như tôi nói, cần có chính sách của nhà nước với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Hạt gạo cần bộ quy chuẩn, cần những thứ liên quan để xây dựng một thương hiệu gạo Việt. Đó là những vấn đề lớn, vượt tầm một người làm khoa học nên tôi cũng chỉ đề xuất một số thứ thôi.
Hiện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên bố đặc cách công nhận giống lúa thơm ST25. Bộ trưởng KH&CN cũng xung phong đăng ký tác quyền cho giống này.
Có một Việt kiều Mỹ liên lạc với tôi hứa sẽ giúp phân tích bộ gen của gạo để sớm công bố trên thế giới.
Điều gì khiến ông lựa chọn ngành nông nghiệp?
Tôi nếu không muốn làm thầy giáo thì phải đi lội ruộng thôi chứ không có lý tưởng cao xa gì! (Cười).
Mà cũng may nha, khi xưa muốn đậu khó lắm, 900 mấy tú tài mà chỉ lấy có 70 người. Tôi cũng không phải chọn làm nghiên cứu đâu. Nghề tôi là kỹ sư nông nghiệp, muốn đạt được đẳng cấp lên nghiên cứu thì đó là quá trình sàng lọc và có đam mê dần mới bước lên.
Bắt đầu có thể là tình cờ, nhưng trong suốt 25 năm gắn bó với đồng ruộng, có lúc nào ông muốn tìm cho mình hướng đi khác?
Người ta thường gắn hình ảnh những nhà khoa học làm với đồng ruộng, bà con nông dân thường nghèo. Cá nhân ông nghĩ mình nghèo hay giàu?
Thật ra làm chuyên môn cũng có thể được, nhưng phải làm chủ. Còn nói chung chung thì chuyên môn nếu làm tốt, cũng đỡ đỡ.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận