Kỳ quan 'đường lên trời' vào mùa nước đổ ở Mù Cang Chải
Không chỉ đẹp lung linh vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) còn thu hút khách du lịch vào mùa nước đổ tháng 5 hằng năm.
Đây là thời điểm nước mưa dẫn xuống các thửa ruộng để người dân gieo mạ, cấy lúa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn toàn khác so với mùa thu hoạch.
Những mảng màu của đất
Do đặc điểm địa hình và nguồn nước nên ruộng bậc thang Mù Cang Chải mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa. Khi thu hoạch xong vào khoảng tháng 9 - 10 hằng năm, đất trồng để khô cằn, cỏ mọc nên thời điểm nước đổ ải về sẽ làm mềm những luống đất, người dân nô nức xuống đồng lao động, gieo trồng vụ mới.
Một số ruộng dùng để gieo mạ và một số ruộng đang được cày ải chuẩn bị cấy
Nếu như mùa lúa chín còn được gọi mỹ miều là mùa vàng thì mùa nước đổ người ta hay gọi là màu của đất và trời. Bởi những ô ruộng không chỉ hiện lên với màu nâu đất mà vào những hôm trời quang đãng, nắng trong xanh mặt nước phản chiếu bầu trời đẹp rực rỡ.
Tổng diện tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào khoảng hơn 2.300ha, tập trung chủ yếu ở 3 xã là Chế Cu Nha, Dế Xu Phình và La Pán Tẩn. Mù Cang Chải là nơi tập trung đông người dân tộc Mông sinh sống, họ đã gắn bó với ruộng bậc thang từ ngàn đời xưa, đối với họ ruộng bậc thang còn được ví như đường lên bầu trời.
Trâu vẫn được sử dụng phổ biến để cày bừa ở Mù Cang Chải
Nếu như ở vùng đồng bằng, những cánh đồng thẳng cánh cò bay hay bao la như thảm lụa thì ruộng bậc thang mang đến vẻ đẹp hình khối, chồng lấn và đan xen giữa những quả núi đồi. Nếu có cơ hội được ngắm nhìn người nông dân làm việc từ trên cao, chắc hẳn bạn không nghĩ đơn thuần họ đang làm nông nghiệp mà còn đang “đục đẽo” tạo nên một kỳ quan thiên nhiên.
Ruộng bậc thang như một chiếc thang đang bắc lên bầu trời
Bên cạnh tông màu chính là nâu đất, ruộng bậc thang Mù Cang Chải còn được tô điểm sắc đỏ bởi những cây hoa gạo nở muộn, màu trắng bạc óng ánh từ những dòng suối, mảng màu xanh thiên nhiên của rừng núi, thỉnh thoảng lại xuất hiện những thửa đất vàng ruộm như một nét chấm phá hữu tình.
Toàn huyện Mù Cang Chải có khoảng 68.000 dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, phần còn lại gồm dân tộc Thái, Kinh và một số nhỏ dân tộc khác tạo nên sự đa dạng văn hóa trên địa bàn huyện.
Người nông dân đang tập trung nhổ mạ để chuẩn bị đi cấy
Ruộng bậc thang thể hiện sự sáng tạo, cần cù của người dân bản địa, sống thích nghi với điều kiện tự nhiên không được thuận lợi, điều đó càng tô đẹp thêm vẻ đẹp của ruộng bậc thang giữa núi rừng hùng vĩ. Ngày nay, ruộng bậc thang Mù Cang Chải không chỉ vẫn đem lại nguồn lương thực chủ yếu cho người dân nơi đây mà còn thu hút đông đảo khách du lịch, tham quan, chụp ảnh và lưu trú, đem lại thêm một nguồn thu kinh tế cho người dân địa phương.
Điểm lý tưởng hút khách du lịch
Những thảm màu nâu của đất dần được người nông dân phủ xanh bằng việc cấy lúa. Nhưng trước khi cấy, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ đưa trâu lên cày ải, cày càng sâu đất càng tốt và vụ thu hoạch sẽ được những bông lúa chắc nịch, căng tròn.
Các gia đình thường huy động tối đa nhân công khi vào vụ cấy hoặc vụ gặt
Mùi của đất là thứ mà mỗi du khách đều có thể ngửi thấy khi đi dọc các thửa ruộng đổ ải. Nếu như vụ lúa chín thơm mùi đòng đòng rồi mùi lúa mới ngào ngạt thì mùi của đất hơi ngai ngái nhưng chẳng hề khó chịu, ta vẫn cảm thấy muốn ngửi mùi này như thứ mùi của quê hương trong mỗi con người Việt Nam.
Do địa hình phức tạp nên người dân nơi đây cũng ít sử dụng các loại máy móc như máy bừa, máy cấy mà họ vẫn làm thủ công trực tiếp, cày bằng trâu, số ít sử dụng máy cày bằng tay, ngay đến các loại phân bón hóa học cũng sử dụng rất hạn chế. Vào mùa vụ, các gia đình thường huy động tối đa nhân công ra đồng, ngoài ra họ thường đổi công cho nhau để phủ xanh những cánh đồng nhanh nhất.
Những người dân đang không chỉ làm ruộng mà còn đang góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được bình chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Còn vào năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã công nhận là danh thắng quốc gia. Năm 2019, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Những thửa ruộng có màu đen khi chưa được cày lên đan xen với những thửa ruộng nâu vàng
Thành quả từ những cây mạ được cắm xuống trong mùa nước đổ
Để quảng bá hình ảnh du lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải, những năm gần đây huyện Mù Cang đều đều tổ chức các hoạt động du lịch, lễ hội vào mùa nước đổ và mùa lúa chín, trong đó có dịch vụ bay dù lượn rất được du khách yêu thích. Giá combo trải nghiệm bay dù lượn dao động từ 2 - 3 triệu đồng/người tùy vào thời điểm du lịch trong năm.
Dịch vụ bay dù lượn ở Mù Cang Chải rất được du khách ưa chuộng
Đặc biệt, hiện nay tại các xã Mồ Dề, Cao Phạ và Khao Mang còn có dịch vụ trải nghiệm làm nông nghiệp cùng người dân như cày bừa bằng trâu, đắp bờ, cấy lúa, dẫn nước rất thú vị.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải thi đi cà kheo
Đến khám phá du lịch Mù Cang Chải, du khách còn được thưởng thức ẩm thực rất hấp dẫn của người dân bản địa. Các đặc sản như xôi nếp nương, nhộng ong rừng, măng đắng xào, cá suối nướng, cá tầm Khau Phạ, thịt lợn đen nướng, cải mèo... là những món ăn không thể bỏ qua. Còn nếu du khách muốn mua quà về cho người thân thì cốm xanh Tú Lệ là sản phẩm ưu tiên hàng đầu.
Thanh niên giã cơm để làm bánh
Để di chuyển tới Mù Cang Chải từ Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 32 về hướng tây bắc, khoảng 300 km. Trên đường đi có nhiều cung đường cheo leo bám vào sườn núi có cảnh đẹp rất tuyệt vời, bạn đừng quên mang theo máy ảnh góc rộng và lưu giữ lại những cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước Việt Nam nhé.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận