‘Kỷ nguyên vàng’ của các quỹ đầu tư quốc gia chấm dứt vì Covid-19
‘Kỷ nguyên vàng’ của các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) trên thế giới đã chấm dứt do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Đó là nhận định được đưa ra trong một báo cáo nghiên cứu chung gần đây của một nhóm nhà nghiên cứu ở Đai học Bocconi (Ý), Đại học New York (Mỹ) và Trường Kinh tế London (Anh).
Nhiều quỹ đầu tư quốc gia bị rút vốn
Bản báo cáo cho biết các SWF trên toàn cầu, nơi nắm giữ số tài sản có tổng giá trị 6.000 tỉ đô la Mỹ, đang bị các chính phủ rút vốn khi họ cần tài chính để ổn định ngân sách và giảm nhẹ sự tác động của cơn suy sụp kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.
Nhóm nhà nghiên cứu trên cho rằng các SWF chuyên đầu tư vào hàng hóa như dầu thô đối mặt với cú sốc nghiêm trọng nhất trong lịch sử của họ khi đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm các vấn đề của ngành công nghiệp dầu mỏ như giá dầu thấp và nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch đang suy giảm.
Giáo sư kinh tế Bernardo Bortolotti, một trong những tác giả của báo cáo, nói: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 là khúc ngoặt lịch sử của các SWF. Cú sốc bất ngờ và trầm trọng đang đẩy nhanh xu hướng tiêu cực trước đó của giá dầu và thương mại toàn cầu, hai động lực tăng trưởng chính cho các SWF”. Ông cho rằng tất cả SWF đều buộc phải tái thẩm định chiến lược của họ đồng thời đáp ứng yêu cầu của các chính phủ đang quản lý họ.
Được xem là nơi tích lũy của cải cho các thế hệ tương lai nhưng các SWF cũng thường là chỗ dựa tài chính của các nước trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế hay biến động chính trị. Cục Đầu tư Kuwait, quỹ đầu tư quốc gia lâu đời nhất thế giới, đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp tài chính cho chính phủ lưu vong của Kuwait sau khi Iraq tấn công xâm lược Kuwait vào năm 1990.
Nhóm nhà nghiên cứu của ba trường đại học nói trên dự báo thay vì tập trung đầu tư trên toàn cầu như trong những thập kỷ gần đây, đại dịch Covid-19 có thể khiến các quỹ SWF lớn ưu tiên đầu tư trong nước hơn và tập trung giảm nhẹ tác động kinh tế và xã hội, thay vì lợi nhuận tài chính đơn thuần.
Họ phát hiện thấy rằng nguồn tài chính của một số SWF đã được huy động để bù đắp vào khoảng trống ngân sách của các chính phủ cũng như hỗ trợ nền kinh tế trong nước của họ thông qua các gói giải cứu doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Temasek, quỹ đầu tư quốc gia Singapore, đã tái cấp vốn 1,5 tỉ đô la Mỹ cho Tập đoàn đóng và sửa chữa tàu Sembcorp Marine hồi tháng 6 cũng như bơm 13 tỉ đô la vào hãng hàng không quốc gia Sinagpore (Singapore Airlines).
Các SWF ở các nước như Na Uy, Iran, Kuwait và Nigeria cũng đối mặt với khả năng bị rút vốn hoặc tăng chia cổ tức để trang trải cho ngân sách hoạt động của các chính phủ của họ.
Trước đó, một báo cáo nghiên cứu của Công ty quản lý đầu tư Invesco, cũng cho thấy rằng các SWF có danh mục đầu tư tập trung vào hàng hóa, có thể đối mặt với nguy cơ bị các chính phủ rút vốn cao hơn. Báo cáo này nhận định: “Nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài và giá dầu thấp dai dẳng, các SWF chuyên đầu tư hàng hóa có thể đối mặt với thời kỳ rút ròng vốn kéo dài”.
Đang thua lỗ 800 tỉ đô la Mỹ
Nhóm nhà nghiên cứu ở Đai học Bocconi (Ý), Đại học New York (Mỹ) và Trường Kinh tế London (Anh) cho biết mức thua lỗ đầu tư của các SWF do tác động của Covid-19 rất khó xác định một phần là các quỹ ít khi công khai chi tiết kết quả kinh doanh của họ. Tuy vậy, họ ước tính các SWF trên toàn cầu đang lỗ trên giấy tờ (paper loss) khoảng 800 tỉ đô Mỹ do dịch bệnh Covid-19. Lỗ trên giấy tức là các khoản lỗ do giá trị danh mục tài sản bị giảm so với giá đầu tư nhưng vẫn chưa bị bán ra.
Trong khi một số SWF tận dụng làn sóng bán tháo do cơn hoảng loạn trong đại dịch Covid-19 để mua vào cổ phiếu giá rẻ, môt số SWF khác không còn nhiều số dư tiền mặt để làm như vậy. Hôm 2- 9, quỹ đầu tư quốc gia Úc Future Fund, ghi nhận lỗ 0,9% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30-6. Đây là năm lỗ đầu tiên của quỹ này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Future Fund đang nắm giữ số tài sản ước tính khoảng 150 tỉ đô la Mỹ.
Chủ tịch Future Fund, Peter Costello, cho biết đã nâng lượng tiền mặt của quỹ này lên mức cao nhất trong ba năm để chuẩn bị cho “một môi trường biến động và khó khăn trong tương lai”. Ông nói: “Các yếu tố thuận lợi giúp Future Fund tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian trước đây có thể không còn nữa. Chúng tôi cần phải có tầm nhìn chiến lược hơn trong cách mà chúng tôi theo đuổi lợi nhuận dài hạn trong tương lai”.
Giám đốc điều hành Future Fund,Raphael Arndt, cho biết quỹ này đang đặt cược vào các lĩnh vực hạ tầng mới như các trung tâm dữ liệu và các hệ thống cáp quang ở Úc và nước ngoài.
Vào giữa tháng 8, Quỹ Hưu trí toàn cầu Na Uy, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận thua lỗ 3,4% trong nửa đầu năm 2020 do đà phục hồi của các thị trường chứng khoán không đủ để xóa hết mức suy giảm kỷ lục ở giá trị tài sản của quỹ này hồi đầu năm nay do tác động của đại dịch Covid-19. Mức lỗ 3,4% này tương đương 188 tỉ krone (gần 22 tỉ đô la Mỹ).
Theo Financial Times, Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận