Kỳ lân công nghệ gọi xe lần lượt ‘quay đầu’, cục diện thị trường ra sao?
Lần lượt các hãng xe công nghệ như Uber, Baemin và mới nhất là Gojek đã nói lời chia tay Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là thị trường gọi xe, giao đồ ăn công nghệ trên mảnh đất hơn 100 triệu dân có còn đủ hấp dẫn với các kỳ lân, thương hiệu công nghệ?
“Miếng bánh” đang được chia lại
“Em ăn gì anh đặt Beamin giao?”
“Ăn gì cũng được, Gojek giao là được”
Bốn năm trước, hai nội dung quảng cáo này của Beamin và Gojek đã “làm mưa làm gió” ở ngã sáu Cộng Hòa (TPHCM) nhưng giờ đây chỉ còn là kỷ niệm khi cả hai đơn vị đều rút khỏi thị trường.
Beamin và Gojek là hai hãng xe công nghệ nối đuôi nhau rời thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa: ST
Cuối năm 2023, Delivery Hero, công ty mẹ của Baemin – nền tảng giao đồ ăn từ Hàn Quốc, thông báo thương hiệu này chính thức rút khỏi Việt Nam kể từ ngày 8-12. “Quyết định rời khỏi Việt Nam này được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự canh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”, theo thông báo của Delivery Hero.
Và mới đây nhất, đến lượt Gojek, một “kỳ lân” ngành gọi xe và giao đồ ăn của Indonesia, đã nói lời chia tay, chính thức dừng hoạt động tại thị trường 100 triệu dân từ ngày 16-9 tới. Theo Gojek, quyết định này phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ – Tập đoàn GoTo tại Indonesia.
Lời chia tay này không chỉ gây xôn xao cho cộng đồng tài xế Gojek, mà còn khiến nhiều khách hàng trung thành của hãng không khỏi nuối tiếc. Nhìn lại 6 năm kinh doanh tại Việt Nam, không thể phủ nhận Gojek đã có vai trò quan trọng trong việc phá thế “một mình một chợ” của Grab vào thời điểm 2018 khi ứng dụng Uber – một “kỳ lân” công nghệ đến từ Mỹ, rút khỏi Việt Nam.
Ở cục diện hiện nay, trước khi có thông báo rút lui, Gojek là một trong 4 hãng gọi xe lớn tại thị trường xe công nghệ, giao đồ ăn ở Việt Nam, bên cạnh Grab, Be và Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” từ Q&Me, Grab là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất với 42% người Việt lựa chọn ứng dụng này khi sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy, Be và Xanh SM lần lượt chiếm 32% và 19%, trong khi chỉ có 7% người dùng thường xuyên sử dụng Gojek.
Đồ họa: Minh Anh
Về phân khúc khách hàng, phần lớn khách hàng Gen Z (24-30 tuổi) vẫn chọn Grab, tương ứng 46% nhưng cũng có đến 43% người dùng ở độ tuổi này thường xuyên chọn Be.
Đáng chú ý, khảo sát thói quen sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ 2024 của Q&ME cũng cho thấy Be đang là siêu ứng dụng có mức chi tiêu trên đầu người cao nhất với 474.000 đồng, vượt Grab khi có mức chi là 366.000 đồng.
Như vậy, với diễn biến mới nhất của thị trường gọi xe, giao đồ ăn công nghệ hiện nay, “miếng bánh” này chắc hẳn sẽ có những biến động đáng kể trong thời gian tới và không loại trừ khả năng các hãng gọi xe sẽ chia lại thị phần. Trong đó, Be và Xanh SM có thể là các đối thủ nặng ký với khả năng “xé nhỏ” thị phần “anh cả” Grab và giành lấy “phần bánh” Gojek để lại sau khi hãng này rời Việt Nam.
Đến thời của ứng dụng nội
Quyết định chia tay thị trường Việt Nam của Gojek cho thấy một bức tranh cạnh tranh khốc liệt của các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn trong thời gian qua. Tuy nhiên đây cũng được xem là cơ hội của doanh nghiệp nội địa.
Khoảng 3 năm trước, nhiều chuyên gia nhận định, với thị trường gọi xe công nghệ, rất khó để doanh nghiệp Việt “cướp cái”. Nguyên nhân được cho là do người khai mở thị trường như Grab vốn đã khẳng định được thương hiệu, lại có tiềm lực tài chính mạnh hơn, tầm nhìn chiến lược dài hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt vừa yếu hơn, vừa đi sau nên thị phần khó thể đấu lại được.
Các ứng dụng gọi xe Việt bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Minh Anh
Nhưng câu chuyện nay đã khác, khi Be và Xanh SM, hai thương hiệu dịch vụ vận tải của người Việt, xuất hiện và nhanh chóng lấy lại vị thế “chủ nhà”.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tác động tích cực tới ngành gọi xe công nghệ Việt Nam. Dịch vụ này đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ ba tại Việt Nam trong quí 1-2024, với 19%. Cùng với “phần bánh” Be đang nắm giữ là 32%. Như vậy, trong các hãng xe lớn của thị trường gọi xe hiện nay đã có 2 cái tên nội địa chiếm hơn một nửa thị phần.
Những con số trên cho thấy dù gia nhập thị trường muộn hơn hai ông lớn Grab và Gojek, thế nhưng, cả Be và Xanh SM đều cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ và là đối thủ đáng để các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hoặc muốn tham gia thị trường phải dè chừng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp này đang có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ những tập đoàn lớn, như Vingroup đứng sau Xanh SM; Be Group thì liên tục chốt các thương vụ gọi vốn và hợp tác trị giá hàng nghìn tỉ đồng với các định chế tài chính toàn cầu như Deutsche Bank Singapore và gần đây công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), một thành viên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đầu tư gần 740 tỉ đồng vào doanh nghiệp này.
Khi được “bơm tiền” dồi dào, Be đặt mục tiêu tăng trưởng lên 20 triệu người dùng tại Việt Nam và đạt mục tiêu doanh thu gộp hàng năm 200 triệu đô la Mỹ vào năm 2026.
Những điều này hứa hẹn rằng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Hơn nữa, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn do nhu cầu đi lại vẫn cao.
Đây cũng là ghi nhận của Mordor Intelligence khi ước tính quy mô thị trường gọi xe Việt Nam sẽ đạt 1,17 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 3,19 tỉ đô la Mỹ vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,1% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Như vậy, sau gần một thập kỷ thị trường gọi xe, giao đồ ăn hình thành tại Việt Nam, không ít các “kỳ lân”, những “ông lớn” lần lượt “gục ngã” vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Và giai đoạn hiện nay, thị trường này đang ở một thời điểm đáng quan sát, với cơ hội và thách thức đan xen cho những người ở lại và những thương hiệu mới muốn gia nhập.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận