knockout “Thiên nga đen” Covid 19 nhìn lại cuộc đại suy thoái năm 2008 – Dành cho người thích đọc chuyện cũ
Hai năm trở lại đây, “Thiên nga đen” Covid 19 đã giáng những đòn knockout nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu; thì người ta lại nhớ đến tổn thương cũ trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ cuối 2007 đến giữa 2009.
Biết rằng đôi khi chuyện cũ không nên nhắc lại nhưng sự kiện này thì khác, nó đem lại quá nhiều bài học cho chúng ta của hiện tại. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ tóm tắt một vài thông tin cơ bản về sự kiện được coi là đen tối này.
1. NGUYÊN NHÂN LÀ DO ĐÂU?
Người ta đổ lỗi cho lòng tham của thị trường chứng khoán, cho việc sử dụng đòn bảy quá mức của ngân hàng, cho sự tắc trách của các tổ chức tín dụng,…; nhưng trên thực tế, mọi thứ đều được quy về một lí do đại diện – sự vỡ tung của Bong bóng bất động sản tại Mỹ.
Tại thời điểm những năm 2000, “American Dream” – Giấc mơ Mỹ là một từ khóa siêu hot, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp; và nó mang một ý nghĩa vô cùng cao đẹp, hiểu đơn giản là: MỌI THỨ ĐỀU CÔNG BẰNG! Trong đó, một tư tưởng được quan tâm hơn cả: Mọi người đều có nhà để ở và kiếm được tiền trên chính ngôi nhà đó. Chính tư tưởng này đã sản sinh ra một loạt các phát mình tài chinh mà theo cá nhân mình là trọng tâm của cuộc khủng hoảng: MBS = ABS = CDO = CDS; vì chính khi chuỗi này sụp đổ thì thị trường tài chính bỗng chốc lao đao.
2. CHUỖI PHÁT MINH TÀI CHÍNH
Để dễ hiểu nhất có thể, mình sẽ diễn giải ý nghĩa và cách những công cụ Tài chính này tác động lên nhau.
MBS (Mortgage-Backed Securities)
Đây là nơi mọi thứ bắt đầu.
Khi đó, nhu cầu mua nhà được đẩy lên rất cao nhưng người mua nhà lại chẳng có tiền hoặc có rất ít tiền nên họ chỉ còn cách đi vay. Và tất nhiên, ngân hàng thương mại sao có thể bỏ qua thời cơ lớn như vậy? Nên họ đã quyết định cho người mua nhà vay tiền nhưng phải lấy chính bất động sản mà họ mới mua làm thế chấp. = Một mối quan hệ win-win được thiết lập, ngân hàng có tiền lãi, người đi vay có nhà.
Tuy nhiên, người có thu nhập ổn định mới có khả năng trả cả vốn lẫn lời, còn người thu nhập thấp hay thậm chí chẳng có thu nhập thì sao? Các ngân hàng cũng tự cảm thấy rủi ro quá cao nên họ đã tạo ra MBS – một hoặc một pool các loại nợ dưới chuẩn này, và bán lại cho bên thứ 3.
ABS (Asset-Backed Securities)
Sau khi thấy được sự tiềm năng mà MBS đem lại, ABS được ra đời. Đây là một sản phẩm “cao cấp” hơn MBS khi nó là “hỗn hợp” của MBS và các khoản vay được đảm bảo bằng các loại tài sản khác; ví dụ như: vay mua xe, vay tiêu dùng, vay sinh viên…
Thường thì những tài sản được đảm bảo trong chứng khoán này không thanh lí được. Tuy nhiên, việc gộp chung những tài sản này với nhau để tạo ra một dạng chứng khoán tài chính có thể giúp chủ sở hữu của chúng bán được chúng. Tiến trình này được gọi là chứng khoán hóa. Và điều đáng chú ý là nhà phát hành có thể tùy ý sáng tạo theo cách họ muốn. Tất cả các cách thức tạo doanh thu đều có thể được chứng khoán hóa thành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản = Vậy là chúng ta đã có một “ly sinh tố” các khoản vay dưới chuẩn.
CDO (Collateralized Debt Obligations)
Và rồi, các ngân hàng đầu tư lại thấy ABS tiềm năng và tạo ra CDO – một bước cấp tiến mới. Để dễ hiểu nhất thì các ABS và MBS trên giờ được gộp lại, rồi chia ra thành các nhánh riêng biệt dựa theo độ rủi ro.
Các nhánh này có thể hiểu giống một danh mục đầu tư được giao bán như cổ phiếu thông thường. Và các nhánh cao cấp thường an toàn nhất và thường được đánh giá cao hơn, nhưng nó cung cấp lãi suất coupon thấp hơn.
= CDO là một bước chứng khoán hoá tiếp của các sản phẩm đã được chứng khoán hoá.
CDS (Credit Default Swaps)
Sau một thời gian CDO quá nóng, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại. Và để đáp ứng được nhu cầu phòng chống rủi ro, CDS ra đời. CDS tương tự như một hợp đồng bảo hiểm, mục đích để đề phòng CDO xuống giá.
Vào khoảng 2006, các sản phẩm CDS được phát triển rất mạnh mẽ bởi các công ty bảo hiểm. Ví dụ như nhà đầu tư mua CDO, mà họ sợ các CDO này gặp rủi ro thì nơi bán CDS có trách nhiệm bồi thường cho người mua.
Và điều đáng chú ý là các công ty bán CDS không bị kiểm soát, họ có thể bán một số lượng CDS tuỳ ý; thậm chí, kể cả nhà đầu tư không nắm giữ CDO cũng có thể giao dịch. Có thể thấy, CDS khá giống Option (quyền chọn), chỉ khác ở tài sản đảm bảo.
3. HIỆU ỨNG DOMINO
Khi mới bắt đầu, các phát minh trên được bán ra rất tốt, thậm chí các ngân hàng đầu tư còn lo lắng vì không tìm đủ các khoản nợ dưới chuẩn để tạo ra sản phẩm. Điều này đã khiến điều kiện cho vay trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết. Thực tế, có những người vay mua được 100% giá trị ngôi nhà mà chẳng cần chứng minh thu nhập.
Vì miếng bánh béo bở này, nhiều ngân hàng thương mại còn cho phép người vay chỉ cần trả phần lãi mà không cần trả gốc trong thời gian đầu.
Nhưng rồi “Giấc mơ Mỹ” không thể tiếp tục mà buộc phải tỉnh dậy khi mà nhiều người mua nhà nhận ra họ chẳng thể trả nổi khoản tiền hàng tháng khi số tiền ấy có khi còn lớn hơn cả thu nhập. = Nhiều người quyết định dừng trả tiền và chấp nhận nhà bị tịch thu. = Số lượng nhà được “nhả ra” lớn hơn nhu cầu khiến giá nhà giảm mạnh. Và rồi, kể cả những người đã cọc nhà và đủ khả năng thanh toán cũng nhận ra rằng họ có thể mua nhà rẻ hơn. = Một vòng tròn luẩn quẩn hình thành và giá bất động sản tiếp tục sụt giảm.
Khi người mua nhà dừng trả tiền thì lấy đâu nguồn tiền để tài trợ các MBS, ABS, CDO. Vậy là giá các sản phẩm này tụt dốc không phanh. = người cầm CDS đòi được thực hiện quyền lợi. Thế là các công ty, các quỹ tài chính, các ngân hàng trước đây đã bán các hợp đồng bảo hiểm CDS này phải chi ra một lượng tiền lớn kinh khủng để chi trả. Và cuộc khủng hoảng được bắt đầu!
Sau khi không còn khả năng chi trả, rất nhiều các tập đoàn Tài chính lớn đi đến đường cùng buộc phải phá sản hoặc tìm đến sự giúp đỡ của chính phủ. Tháng 9-2008, Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỉ USD, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính mà khi đó, Lehman Brothers là ngân hàng đầu tư xếp thứ 4 về quy mô của Mỹ, có 25.000 nhân viên trên toàn thế giới. Hay như Freddie Mac và Fannie Mae đã được chính phủ Mỹ giải cứu bằng cách chi gần 190 tỷ đô để tránh nguy cơ phá sản.
Các công ty lớn gặp khó khăn = Tỷ lệ thất nghiệp tăng = Tiền trả lãi suất cho MBS, ABS bị gián đoạn = Mọi người bắt đầu nghi ngờ CDO làm giá CDO tụt nhanh = Người nắm giữ CDS đòi được bảo hiểm. Có thể thấy đây lại là một vòng tròn luẩn quẩn và chính vòng tròn này đã tạo nên Đại Suy Thoái.
4. BÀI HỌC GÌ CHO HIỆN TẠI – ĐỒNG TIỀN ẢO
Có rất nhiều bài học cho chúng ta, nhưng tại thời điểm này, khi mà đồng tiền ảo lên ngôi thì cá nhân mình muốn nhắc đến vấn đề này.
Thị trường tiền ảo với vốn hoá 16 tỷ đô nay đã chạm ngưỡng hơn 2300 tỷ đô, tăng gấp hàng nghìn lần và gần như gấp đôi thị trường 1200 tỷ đô của các khoản nợ dưới chuẩn vào năm 2008. Vấn đề này buộc chúng ta phải liên tưởng vì đồng tiền ảo cũng là một phát minh tài chính không có giá trị thực, phi vật lý và luôn biến động giá mạnh mẽ. Ví dụ, hai loại tiền mã hóa lớn nhất, Bitcoin và Ethereum, đã mất hơn 30% giá trị vào đầu năm nay trước khi giá phục hồi. Thực tế chứng minh giá tiền mã hóa cực kỳ biến động kể từ khi được tạo ra.
Câu hỏi mình tự đặt ra là: Chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai khi các đồng tiền ảo này tiếp tục phát triển với quy mô lớn hơn và khi chúng được tham gia vào quá trình giao thương truyền thống? Và liệu sau này các đợt điều chỉnh giá có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thực hay không?
Sự rủi ro trong các vấn đề trên đã từng xuất hiện tại thời điểm các món nợ dưới chuẩn ra đời nên sự đề phòng là nên được đặt ra. Thực ra, các phát mình tài chính đều là những công cụ rất hay nên như tiền ảo, mình kì vọng vào một sự giám sát chặt chẽ hơn để giảm thiểu các tình huống xấu từng xảy ra.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận