Kinh tế Việt Nam và những nghịch lý kinh niên
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định tăng trưởng chung tích cực nhưng các doanh nghiệp nội địa lại ngày càng gặp khó, là một trong những "nghịch lý kinh niên" của nền kinh tế.
Những điều bất thường ở khu vực tư nhân
Giữa những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III/2024, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra điều "nghịch lý", đầy bất thường và khác thường.
Đó là, mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt, FDI tăng mạnh, thặng dư thương mại đầy hứng khởi, các doanh nghiệp nội lại ngập trong khó khăn dai dẳng.
GDP quý III/2024 của Việt Nam vẫn tăng 7,4%, đưa tăng trưởng GDP chín tháng cán mốc 6,82%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chín tháng đạt 578 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt 300 tỷ USD, tăng 15,4%. Xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng khi thu hút 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI trong kỳ ước tăng 10,7% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 3,9% cùng kỳ năm trước.
"Tăng trưởng chung của nền kinh tế rất khả quan, tuy nhiên, điều nghịch lý là các doanh nghiệp khu vực nội địa lại đang rất khó khăn", ông Thiên chỉ ra thực trạng và nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước thách thức rất lớn.
Sau đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh chưa phục hồi, các doanh nghiệp lập tức lại chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị, thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng.
Trong bức tranh chung của kinh tế cả nước, khu vực tư nhân đang thực sự "ảm đạm". Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, rút lui khỏi thị trường, hàng loạt cửa hàng kinh doanh đóng cửa.
Trong quý I/2023, lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 56.946 doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chiếm 71,1%.
Tính đến quý giữa năm nay, tình hình đã được cải thiện khi số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung năm tháng đầu năm, có 98,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, trong khi có 97,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, cần lưu ý rằng, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là đã đóng cửa, chính thức không tham gia kinh doanh, không đóng góp vào GDP.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ra nhập thị trường cần phải mất ít nhất phải sáu tháng kể từ khi thành lập mới có đóng góp vào nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho người dân, tạo ra sản phẩm cho xã hội, đưa vào kinh doanh.
Điều này cho thấy, nội lực của các doanh nghiệp nội địa vẫn rất yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nếu không nhìn kỹ vào khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, chỉ dựa vào các chỉ số chung của tăng trường, rất có thể, các quyết sách được đưa ra sẽ không thể tháo gỡ được vướng mắc thực chất của các doanh nghiệp để từng bước phục hồi nền kinh tế, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Những nghịch lý kinh niên
Ông Thiên đã chỉ ra những "nghịch lý kinh niên" là lý do khiến kinh tế Việt Nam nói chung tăng trưởng tốt, nhưng nội lực lại yếu, chậm phục hồi.
Thứ nhất là tình trạng thừa tiền – thiếu vốn. Các doanh nghiệp "khát vốn, đói vốn" nhưng không thể vay vốn ngân hàng do không đủ điều kiện và không dám vay.
Một trong những lý do khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa thể phục hồi sau khủng hoảng là do luồng vốn - dòng máu của nền kinh tế vẫn đang tắc nghẽn.
Trong khi đó, nền kinh tế chung vẫn tăng trưởng tốt là do phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp này phát triển nhờ dòng vốn từ nước ngoài.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.
Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều, có các tổ chức tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi một số tăng sát chỉ tiêu đã đề ra.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết năm nhưng vẫn còn hơn 40% lượng vốn chưa được giải ngân.
Thứ hai là nghịch lý lạm phát thấp, nhưng lãi suất cao và kéo dài. Theo ông Thiên, trong vòng 7 - 8 năm trở lại đây, lạm phát luôn được duy trì ở mức thấp, 4 - 4,5%. Lẽ ra, với mức lạm phát thấp như vậy, lãi suất phải được kéo giảm tương ứng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại luôn ở mức cao và kéo dài. Đây chính là gánh nặng rất lớn, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp.
Chính điều này đã dẫn đến điều nghịch lý thứ ba là các doanh nghiệp Việt "giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành."
Thứ tư là xu hướng suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Theo ông Thiên, gần 40 năm sau đổi mới của Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 13 năm và cứ sau mỗi chu kỳ 13 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm dần.
Cốt lõi của những nghịch lý trên được vị chuyên gia này chỉ ra rằng, nền kinh tế thị trường đang thiếu các nền tảng thị trường tốt để phát triển, nhưng ít và chậm tôn trọng các nguyên lý thị trường như quyền sở hữu, bình đẳng, cạnh tranh tự do.
Cơ chế quản lý cũ mang tính hành chính, quan liêu, xin - cho tồn tại dai dẳng đã tạo điều kiện cho đầu cơ phát triển, thay vì sự bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước.
Ông chỉ ra thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại "tam bất thông" nguồn lực, cơ chế và quản trị, từ đó đã tạo điều kiện cho sự lãng phí, kém hiệu quả, dẫn đến nguy cơ tụt hậu và tình trạng co giật khó tránh khỏi của nền kinh tế.
Bên cạnh khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, theo ông Thiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn từ những xu hướng phát triển của toàn cầu.
Bên cạnh khó khăn từ nội tại, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn từ những xu hướng phát triển của toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam phát triển giữa một thế giới đầy ngổn ngang, biến động thất thường và bất thường. Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm nhẹ so với năm ngoái. Lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng vẫn cao, nợ công, nợ xấu lớn, tăng.
Nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, các nước EU, Nhật Bản phục hồi chậm. Rủi ro từ biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến khó lường gây ảnh hưởng đến nguy cơ an ninh lương thực, tiền tệ của toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận