Kinh tế Việt Nam sẽ trở thành "hiện tượng" trong 10 năm tới?
Với tốc độ tăng trưởng GDP như hiện nay, tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một hiện tượng kinh tế trong khu vực trong vòng 10 năm tới.
Dù đây vẫn chỉ là những dự báo và nhìn thực tế hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang còn một khoảng cách khá xa với các nước phát triển trong khu vực. Nhưng, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 thì không có gì là không thể.
Khát vọng của người Việt
Cách đây chỉ mấy năm thôi, có ai nghĩ rằng Việt Nam sẽ có một hãng xe hơi riêng, đó chính là trường hợp Vinfast. Đúng như cái tên của nó, chỉ tròn 21 tháng, từ chỗ là con số 0, một tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đã “thần tốc” cho ra đời một hãng xe “Made in Vietnam” do người Việt Nam làm chủ. Trong khi, để làm ra cùng một hãng xe như vậy, thế giới phải mất từ 3-6 năm. Rõ ràng, VinFast đang đi đúng con đường 4.0 mà Chính phủ đang đặt ra cho nền kinh tế.
Có xe hơi rồi, người Việt Nam có quyền tin vào những giấc mơ khác, thoát ra khỏi tư duy sản xuất lạc hậu, manh mún, đã đến lúc nghĩ tới việc sản xuất ra những loại máy móc, thậm chí là Robot để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Câu chuyện Vinfast chính là một ví dụ tuyệt vời để nói lên khát vọng của người Việt xưa và nay, về một giấc mơ đưa Việt nam trở lên hùng cường, để người Việt khắp nơi trên thế giới có thể tự hào và nói rằng:“Tôi là người Việt Nam”
Nhưng, cũng phải nói, thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày, từng giờ và Việt Nam không thể “khoanh tay” đứng nhìn. Nền kinh tế Việt Nam cũng buộc phải bắt kịp nếu không sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau. Bởi, mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Trong vòng quay đó, Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc.
Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy, đã mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam, bởi Việt Nam trước hết là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và sản xuất hàng tiêu dùng. Hàng loạt các mặt hàng như dệt may, da giầy, thuỷ hải sản, nông sản… sẽ có cơ hội tăng tốc.
Đặc biệt, khi mà Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới với những đối tác thương mại lớn hàng đầu thế giới thì không có lý gì mà các mặt hàng của Việt Nam không có cơ hội phát triển.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển mà các nền kinh tế khác lại đứng yên. Chắc chắn, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngoài những cơ hội mới từ các FTA mang lại thì cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác trong khu vực.
Cũng phải nói thêm về tinh thần khát vọng của người Việt được thế giới đánh giá rất cao, theo khảo sát của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam luôn có mặt trong tốp đầu những nền kinh tế có tinh thầnkhởi nghiệpcao trên thế giới. Gần đây họ xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong số 54 nền kinh tế được khảo sát về Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu.
Con đường không bằng phẳng
Khát vọng lớn, và thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ghi tên mình trên bản đồ thế giới, đó là Viettel, Vingroup, FPT… Nhưng, số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ với cách làm ăn manh mún, không bài bản. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam và nó phải được hoá giải, phải thay đổi, doanh nghiệp buộc phải chuyển mình nếu muốn tận dụng những lợi thế mà hội nhập mang lại. Nhưng, chính những điểm yếu đó đã phần nào tạo ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam.
Khi nhận định về những thách thức của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, trong một hội thảo gần đây, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất - như robot, in 3D, sản xuất thông minh - tại các nền kinh tế khan hiếm lao động và ở Trung Quốc có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu.
Theo ông, điều này cũng có thể tạo ra những cơ hội mới để bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt. Ở trong nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới. Những lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi cơ cấu - công nhân chuyển từ hoạt động nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất và dịch vụ với năng suất cao hơn – đang diễn ra và sẽ kết thúc một cách tự nhiên. Tiền lương đang tăng lên và sẽ bắt đầu làm xói mòn lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam tại những phân khúc có giá trị gia tăng tương đối thấp và sử dụng nhiều lao động trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
“Vì vậy, mặc dù có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ.” ông Ousmane Dione.
Phân tích của ông Ousmane Dione ở góc độ là “người ngoài” phần nào lột tả chính xác nền kinh tế Việt Nam ở giai đoạn hiện nay và có thể là những năm tới. Chính phủ đã giao Bộ kHĐT xây dựng chiến lược phát triển Kinh tế, xã hội chính là để nhận diện rõ nền kinh tế, và đưa ra những giải pháp cụ thể để phát huy lợi thế và hoá giải những điểm yếu của nền kinh tế và định hình lộ trình phát triển của đất nước trong thập kỷ tới.
Tại sao nói thập kỷ này là quan trọng với Việt Nam? Là bởi, thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới và tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng? Làm thế nào để Việt Nam có thể hiện đại hóa các thể chế thị trường trong nước để tạo ra một môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển? Lực lượng lao động Việt Nam cần những kỹ năng gì để có thể cạnh tranh, không chỉ trong sản xuất cơ bản mà còn tiến lên trên chuỗi giá trị, bắt kịp với các công nghệ thay đổi nhanh chóng, đồng thời không để lại các nhóm người bị tụt lại phía sau? Làm thế nào để Việt Nam có thể đảm bảo sự tăng trưởng của đất nước mà không gây hại cho môi trường, đồng thời giải quyết được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu?
Có lẽ tìm ra giải pháp chính sách cho những câu hỏi này không hề dễ dàng và thực hiện chúng có lẽ còn khó hơn. Nhưng với tư duy đúng đắn, cùng sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tin rằng nền kinh tế Việt Nam có thể làm được và trở thành một hiện tượng mới của Châu Á trong vòng 10 năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận