Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,3-6,5% trong năm 2023
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Để nền kinh tế có thể hồi phục và phát triển một cách bền vững, các chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh.
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn
Theo Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên 2022 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) vừa công bố, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tác động từ thế giới là sự suy giảm kinh tế thế giới nói chung, cộng với triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU và nguy cơ lạm phát cao toàn cầu còn dai dẳng.
Theo đó, các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 gồm: suy giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.
Ở trong nước, dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn. Ngoài ra, về phía cầu, chi tiêu của người tiêu dùng (yếu tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng) có thể bị ảnh hưởng do lạm phát gia tăng liên tục, trong khi lãi suất cao, giá năng lượng duy trì ở mức cao, cộng thêm các chi phí đầu vào khác gia tăng tiếp tục là những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, ảnh hưởng đến động lực đầu tư tư nhân trong nước.
“Tác động của các yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới cũng như các điểm nghẽn về nền tảng tăng trưởng trong nước đã khiến cho những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2022. Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% trong năm 2023”, GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói.
Các chuyên gia của NEU cho rằng, động lực tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam đến từ 4 yếu tố cơ bản có triển vọng tốt như: sau giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – chiếm tỷ trọng khoảng 25% GDP – đang có sức bật trở lại, với sự hỗ trợ của khu vực FDI; ngành dịch vụ du lịch và lưu trú khôi phục trở lại với lượng khách quốc tế cao hơn đến từ chính sách nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nhiều nước, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đầu tư công đang được quyết liệt đẩy mạnh và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2023, đóng góp lớn vào đầu tư xã hội. Đầu tư công cũng bổ trợ cho khu vực tư nhân – khu vực này còn khó khăn trong mô hình tăng trưởng còn phụ thuộc lớn vào đầu tư và tín dụng. Ngoài ra, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong năm cuối cùng với quyết tâm mạnh mẽ hơn sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp phục hồi tăng trưởng
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, GS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô phục hồi tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp kích cầu, kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công.
“Dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn. Vì thế, phải trông vào chính sách tài khóa. Trong đó, tiếp tục gia hạn thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP Chính phủ; rà soát lại các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần nào chưa giải ngân hết như tiền hỗ trợ lãi suất 2% dự kiến đến hết năm 2023 còn khoảng 37.520 tỷ đồng chưa giải ngân, và khoảng 2.823 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư thì nên khiến cho chính sách khác có khả năng thực hiện”, GS.TS. Tô Trung Thành nêu rõ.
Về đầu tư công, Chính phủ cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, cần đẩy mạnh các giải pháp cụ thể như: nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và các dự án khẩn cấp.
“Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện Luật Đầu tư công cùng các luật khác có liên quan. Đồng thời, xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; cần hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững, thì cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh.
“Những bài học quá khứ cho thấy, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, và giảm thiểu rủi ro trong tương lai, giữ được niềm tin và sự hứng khởi cho doanh nghiệp cho thị trường”, GS.TS. Phạm Hồng Chương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, GS.TS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản (BĐS). Thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường BĐS thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận