24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Việt Nam quý I năm 2020: Bối cảnh, kết quả và một số yêu cầu điều hành

Trong quý I/2020, kinh tế toàn cầu đã hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và trên diện rộng do những diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là của đại dịch Covid-19. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, nhiều quốc gia đang triển khai các biện pháp quyết liệt như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, tạm dừng hoạt động kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu.v.v.

Nhiều ngành kinh tế bị đình trệ và thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các ngành đầu tư, tài chính, thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, v.v. Hầu hết các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh giảm đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với trước đây.

Đến hết Quý I/2020, những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam đã hiện hữu ở cả tổng cung và tổng cầu. Về phía cầu, ngành du lịch, vận tải, bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), xuất khẩu nông sản, v.v. chịu tác động trực tiếp và rõ nét do lượng khách quốc tế và nội địa, nhu cầu giao lưu, tiêu dùng, vui chơi giải trí sụt giảm mạnh. Về phía cung, hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v. đã suy giảm (ít nhất là trong ngắn hạn) do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động từ Trung Quốc và một số đối tác quan trọng.

Chính phủ chưa cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Một loạt nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đã được xây dựng, thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Một số gói, biện pháp hỗ trợ về tín dụng, tài khóa, an sinh xã hội đã được khẩn trương xây dựng và thông qua, bước đầu đi vào triển khai.

Tác động của đại dịch Covid-19 đã hiện hữu ở một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong Quý I/2020.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Suy giảm tăng trưởng diễn ra ở cả 03 khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm cùng kỳ năm 2016 và thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2017-2019. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,72% so với tháng 2. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ số CPI tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước cao hơn so với giai đoạn 2016-2019, lần lượt đạt 4,87% và 5,56%.

Quý I/2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019 và đạt 31% GDP. Mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2016-2019. Tuy vậy, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I/2020 tăng khá, ước đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm tính đến ngày 20/3/2020 đạt gần 8,6 tỷ USD. Trong đó, 758 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD; tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn FDI thực hiện quý I ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2019, và chỉ tương đương với cùng kỳ năm 2018.

Tổng giá trị xuất khẩu trong quý I/2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khu vực FDI ghi nhận giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 40,4 tỷ USD, làm giảm 1,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2019, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng xuất khẩu chung.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu đạt 56,3 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 23,1 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, qua đó làm giảm 1,4 điểm phần trăm trong mức giảm nhập khẩu. Khu vực doanh nghiệp có vốn FDI nhập khẩu gần 33,2 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức giảm nhập khẩu.

Quý I/2020 thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD. Việt Nam vẫn nhập siêu từ một số nước liên quan đến FDI cũng như sự lựa chọn đối tác và công nghệ như: Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.

Do tác động từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong quý I/2020, dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 29,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,4% nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Một số định hướng chính sách

Thứ nhất, cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật các kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần chú trọng hơn tới việc đánh giá thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trên nhiều phương diện, từ đó xác định chính sách và liều lượng phù hợp.
Thứ hai, thực thi các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt đi đôi với củng cố niềm tin xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, thực thi các chính sách tài khóa nới lỏng có kiểm soát, đồng bộ và phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích.
Thứ tư, nghiên cứu, thực hiện các chính sách, biện pháp giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (đặc biệt liên quan đến thuế, phí, giá điện, giá nước, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, v.v.). Tăng cường kỷ luật, xử lý kỷ luật để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách đầy đủ, hiệu quả nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2020 và các năm tiếp theo, đồng thời tạo áp lực cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn công.

Thứ sáu, nghiên cứu định hướng và các giải pháp mạnh mẽ để cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách công nghiệp đủ tập trung và khả thi, tư duy lại về chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc, kết hợp với thực thi hiệu quả các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA.
Thứ bảy, nghiên cứu các chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19, trong đó có các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng các cơ hội phát triển từ ứng dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Thứ tám, tổ chức thực hiện hiệu quả, tập trung các biện pháp an sinh xã hội; thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình an sinh xã hội và các biện pháp hỗ trợ để có điều chỉnh phù hợp./.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả