24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Việt Nam đang trên lộ trình phục hồi mạnh mẽ, nhưng còn nhiều khó khăn

Báo Singapore cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển, nhưng cũng có những trở ngại, đòi hỏi chính phủ phải có những chính sách phù hợp

Tờ The Business Times ngày 12/7 dẫn ý kiến các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trở lại lộ trình phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP có thể bị giới hạn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát.

Ông John Palu Lech, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Matthews Asia, đánh giá: “Việt Nam là ngôi sao của thị trường cận biên. Dù thường bị lu mờ bởi các đối thủ nặng ký như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc các thị trường mới nổi chắc chắn hơn như Indonesia và Malaysia, nhưng Việt Nam là một trong những câu chuyện hay nhất về tăng trưởng cơ cấu trong thế giới đang phát triển”.

Dù các thị trường cận biên nhìn chung nhỏ hơn, kém thanh khoản hơn và có khả năng tiếp cận hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam đã bắt kịp xu hướng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng gần 9%, lên 10,1 tỷ USD.

Ông Lech cho rằng trung tâm sản xuất khu vực này đang được lợi từ sự di chuyển chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Việt Nam cũng đang ngày càng chuyển sang các ngành công nghiệp có giá trị cao hơn như sản xuất màn hình LED. Cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ, đường không và đường biển đang được nâng cấp nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% cho năm 2022. Nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc Ngân hàng DBS cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay. Lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chuyển sang giai đoạn được coi là căn bệnh đặc hữu. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đáng chú ý là bán lẻ, đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành nghề. Ông bổ sung rằng số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang tăng lên với tốc độ lành mạnh.

Việt Nam cũng nổi lên như là một quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), và đang bắt kịp Singapore. Thị phần của Việt Nam có thể sẽ phát triển hơn nữa. Ông Chua nhận xét: “Mặc dù ở cấp thấp trong chuỗi giá trị, nhưng Việt Nam được coi là sự lựa chọn thay thế vững chắc cho Trung Quốc”.

Ngân hàng UOB đã điều chỉnh dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Dự báo này giả định rằng không có sự gián đoạn nghiêm trọng nào nữa do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nhìn chung, sự lạc quan được củng cố bởi tăng trưởng GDP thực trong quý 2/2022 của Việt Nam tốt hơn dự kiến, với mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất trong 11 năm và vượt xa ước tính trước đó là 5,9%. Sự phục hồi mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất vốn đã tăng tốc trong quý thứ tư liên tiếp và sự phục hồi của sản lượng dịch vụ đã tiếp tục lấy lại được vị thế kể từ đợt giảm cuối cùng vào quý 3/2021.

Những nguy cơ cản trở đà phục hồi kinh tế

Nhà kinh tế Yun Liu đánh giá, dù đạt đà tăng trưởng khả quan, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam. Việt Nam cần lưu ý về những rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng, đặc biệt là từ giá năng lượng tăng cao.

Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,6% trước đó, nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống còn 6,3%, từ 6,7% do rủi ro gia tăng, đặc biệt là trên “mặt trận” năng lượng.

Chuyên gia kinh tế trưởng Hoe Ee Khor thuộc Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống còn 6,3%, từ mức 6,5% trước đó. Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm hơn đối với Trung Quốc và Mỹ - những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Là một trung tâm sản xuất, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến các hoạt động ở cảng của Trung Quốc Đại lục. Tình hình càng trở nên thách thức hơn khi giá cước tăng và tình trạng khan hiếm container.

Lạm phát cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã dẫn đến giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng. AMRO kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ duy trì được tỷ lệ lạm phát dưới 4% bằng các biện pháp kiểm soát giá cả.

Trong bối cảnh những khó khăn vĩ mô, ông Lech nhận thấy “những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó có một công ty logistics được lợi từ năng lực xuất khẩu đang tăng lên và một công ty viễn thông phát triển thịnh vượng trong một thị trường băng thông rộng ngày càng phát triển của nước này”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả