Kinh tế Việt Nam chống chọi trước 'cơn bão' bất ổn toàn cầu thế nào?
Trước bão biến động toàn cầu, sản xuất, xuất khẩu chậm lại nhưng nền kinh tế còn chỗ dựa về dịch vụ, vốn đầu tư và tâm lý lạm phát dịu lại.
Do độ mở cao của nền kinh tế, cơn bão toàn cầu kết hợp giữa bất ổn địa chính trị, lãi suất tăng, nhu cầu giảm ở các nước giàu đã tác động tới Việt Nam. Đến tháng 7, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều giảm tốc.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng trước giảm xuống 51,2 điểm từ mức cao 54 điểm của tháng 6. Kim ngạch xuất khẩu cũng sụt 7,7% so với tháng liền trước, còn khoảng 30,3 tỷ USD.
Một số mặt hàng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm đã đảo chiều giảm trong tháng 7 như: gỗ và sản phẩm từ gỗ (-3,5% so với cùng kỳ), sợi dệt (-34,8%), sắt thép (-34,7%), nguyên liệu nhựa (-26,9%), xi măng (-29,8%).
Khảo sát của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho hay, hơn 90% doanh nghiệp thành viên giảm đơn hàng xuất khẩu trong nửa đầu năm. 73% giảm doanh thu từ 10 đến 90%. 65% cắt giảm lao động, đa số trong khoảng 20-50%.
Nguyên nhân chủ yếu theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa là giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao trên toàn cầu. Ông cho rằng người tiêu dùng EU, Anh, Mỹ đang tập trung chi tiêu hàng thiết yếu hơn. Chi phí logistics cao nên đơn hàng bị kéo về các điểm sản xuất gần nơi tiêu thụ như Mexico, Đông Âu.
Tuy nhiên, bù lại phần nào cho sản xuất và xuất khẩu giảm tốc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 2,4% so với tháng 6 và tăng 42,6% so với cùng kỳ 2021.
Nhìn tổng quan, tình hình 7 tháng đầu năm vẫn sáng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua.
Hoàng Tiễn, CEO Coffee Bike, cho biết sức mua từ khách hàng đã bằng trước dịch. Chuỗi nhượng quyền của anh đang mở rộng mô hình kios và xe bán mang đi.
"Nhiều chuỗi mô hình F&B đã và đang quay trở lại với nhiều khác biệt và sáng tạo hơn. Chuỗi chúng tôi cũng mở rộng ra các vùng thị trấn, thị xã, nông thôn. Riêng các điểm bán vùng du lịch như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết...có doanh thu đột biến, có thể gấp đôi điểm bán thông thường", Hoàng Tiễn cho hay.
Sau 4 năm nghiên cứu, Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group - đơn vị chuyên doanh trái cây cao cấp - chọn thời điểm này nhảy vào mảng F&B với một cửa hàng bán thức uống, bánh ngọt kèm không gian co-working tại quận 1, TP HCM.
"Ngành F&B đang phục hồi mạnh mẽ", chị Huyền nói. Tuy nhiên, theo chị xu hướng là khách hàng ưu tiên các sản phẩm sạch, có lợi sức khỏe.
Tháng qua, doanh thu của hoạt động lưu trú và ăn uống cả nước tăng 5,2% so với tháng 6, lên 53.900 tỷ đồng (tăng 134,7% so với cùng kỳ 2021). Lữ hành tăng 24,2%. Theo VnDirect, tiêu dùng nội địa phục hồi và du lịch nội địa đi lên chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ trong tháng 7.
Chia sẻ với VnExpress, TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng sau khi lạm phát trong nước tạm ổn, tỷ giá mới là vấn đề lo ngại vì nó tác động trực tiếp vào chuỗi: nhập khẩu - sản xuất - xuất khẩu, đặc biệt rõ ở khu vực FDI. Điều này gây dao động ở khu vực xuất khẩu. Tuy nhiên, mảng này vẫn còn điểm sáng là nông sản đang tăng tốc ở các thị trường chính (nông sản còn hai thời điểm tăng mạnh theo tính chu kỳ là cuối quý III và quý IV).
Ngoài ra, để củng cố sức chống chịu trong những tháng còn lại của năm sẽ cần đến đầu tư công lẫn FDI. Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tháng 7 tăng 22,5% so với cùng kỳ 2021, cải thiện đáng kể so với mức tăng 10,1% của nửa đầu năm.
Chính phủ đang tỏ rõ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 3/8 đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về "đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công".
Trong khi đó, vốn FDI sau khi giảm 7,1% trong 7 tháng đầu năm cũng được kỳ vọng phục hồi nhờ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ mở cửa kinh tế và nhiều đường bay quốc tế được nối lại, theo VnDirect.
Việt Nam còn được hưởng lợi từ các công ty đa quốc gia nước ngoài theo đuổi chiến lược "Trung Quốc + 1" do chi phí lao động cạnh tranh, gần Trung Quốc và ổn định chính trị.
Chính sách tài khóa cũng còn nhiều dư địa hỗ trợ tăng trưởng thời gian tới. Thu ngân sách 7 tháng qua tăng 18,1% trong khi chi tăng 3,7%. Kết quả, ngân sách thặng dư hơn 250.000 tỷ đồng trong 7 tháng.
"Chúng tôi cho rằng ngân sách nhà nước dồi dào tạo ra nhiều dư địa để sử dụng các công cụ tài khóa (thuế, phí) nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó giảm sức ép đối với chính sách tiền tệ và giúp duy trì sự đồng bộ với định hướng hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tài khóa hiện tại", báo cáo VnDirect nhận định.
Các lúng túng với lạm phát đã qua, theo TS Phạm Thị Thanh Xuân. Từ cấp quản lý đến doanh nghiệp và người dân đã có sự thích ứng, điều chỉnh trong hoạt động để tránh giá tăng.
"Tại thời điểm này, tốc độ điều chỉnh giá đã chậm lại và đang hình thành mặt bằng giá mới. Nếu mọi thành viên trong nền kinh tế thích ứng được với mức giá này, có thể ổn định được lạm phát trong nhiều tháng tới. Lạm phát tâm lý hành vi đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát ở giai đoạn này", chuyên gia lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận