Kinh tế Việt Nam 2019 - Những mảng màu sáng tối
Với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 7-7,1% năm 2019, Việt Nam đã thoát được khỏi “bóng ma” ám ảnh của chu kì khủng hoảng 10 năm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng suy giảm tăng trưởng, đây là mức tăng GDP vô cùng khả quan. Tuy nhiên, những “nút thắt cổ chai” kìm hãm phát triển, nổi cộm là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Điểm sáng về ổn định vĩ mô
Suốt từ thập niên 70 trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam thường hứng chịu cơn suy thoái hoặc thậm chí khủng hoảng trầm trọng vào những năm có đuôi số 9. Những cuộc khủng hoảng này bùng nổ từ tác động cộng hưởng của những nhân tố bên trong lẫn bên ngoài.
Đặc biệt, kể từ những năm 90, khi kinh tế Việt Nam đã mở cửa và ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài, các cuộc khủng hoảng thường bắt đầu nhen nhóm khi kinh tế khu vực hoặc toàn cầu suy giảm sau một giai đoạn tăng trưởng nóng (cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008) và bùng phát do những sai lầm về mặt chính sách khi các cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời điều chỉnh chính sách vĩ mô để kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng nội địa.
Vậy lần này, vì sao kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khả quan? Có bốn yếu tố đóng góp đáng kể vào thành tích năm nay của Việt Nam.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2009 đến nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát, chứ không phải tăng trưởng cao, luôn được đặt lên hàng đầu. Năm 2018, khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng, Chính phủ đã có những động thái điều chỉnh kịp thời khi siết lại tín dụng. Mức thâm dụng tín dụng (được tính bằng tăng trưởng tín dụng/tăng trưởng GDP danh nghĩa) có xu hướng giảm, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bớt dần sự phụ thuộc vào việc bơm tiền.
Nhờ vậy, lạm phát trong suốt nhiệm kì này được kiềm chế quanh mốc dưới 4%. Trong suốt nhiều năm qua, người Việt Nam luôn lo sợ lạm phát bùng phát, tỉ giá bất ổn sau những trải nghiệm lạm phát phi mã của bốn cuộc khủng hoảng trước đó. Đặt trong bối cảnh này để thấy ổn định các cân đối vĩ mô cần được nhìn nhận như một điểm sáng tích cực trong điều hành kinh tế.
Đây là chỉ dấu cho thấy Việt Nam nằm trong danh sách các điểm đến trên cung đường dịch chuyển của FDI công nghiệp chế biến – chế tạo từ Đông Bắc Á.
Câu nói “Kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo” đã ít được nhắc đến hơn. Ngược lại, vai trò của kinh tế tư nhân đang dần được khẳng định và đề cao về mặt quan điểm chính sách. Điều này giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân, khiến họ không còn e sợ khi mở rộng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Điều đáng nói là ba trong bốn yếu tố nêu trên, như định hướng chính sách đảm bảo ổn định vĩ mô, đầu tư tư nhân và tiêu dùng dân cư không chỉ mang tính ngắn hạn.
Nếu như trong thời kì trục trặc 2013-2014, nền kinh tế không vực dậy được vì chỉ dựa vào FDI thì những động lực tăng trưởng mới từ bên trong đã giúp Việt Nam tăng khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài. Dù chưa thực sự vững chắc nhưng nếu ba yếu tố này được cải thiện sẽ đảm bảo triển vọng tăng trưởng trung hạn khả quan cho Việt Nam.
Các “nút thắt tăng trưởng” vẫn thắt chặt
Mặc dù nền kinh tế có những chuyển biến tích cực trong năm 2019, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng ba nút thắt lớn nhất cản trở Việt Nam trong quá trình tăng trưởng về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa được tháo gỡ.
Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính và xóa bỏ các loại “giấy phép con” đang hành doanh nghiệp và người dân, nhưng đó mới chỉ là các cải thiện hình thức bề ngoài. Trên thực tế, các thể chế thị trường quan trọng như thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai, hệ thống quy tắc xử lí tranh chấp thương mại, luật phá sản…vẫn thiếu vắng hay chưa vận hành đầy đủ.
Trong ba điểm nghẽn tăng trưởng này, cơ sở hạ tầng là dấu trừ lớn nhất không chỉ của năm 2019 mà hầu như cả nhiệm kì này, khi các ách tắc về cơ sở hạ tầng đều không được giải quyết.
Ai cũng rõ để nền kinh tế tăng trưởng, cơ sở hạ tầng phải phát triển tương ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên tổng đầu tư cho cả nền kinh tế đã giảm mạnh trong vòng 10 năm qua, từ mức 12% năm 2007 xuống còn 6% năm 2019 (xem biểu đồ dưới).
Trong suốt giai đoạn từ 2016 đến 2019, Việt Nam không hề có một dự án, công trình lớn nào về cơ sở hạ tầng được triển khai, trong khi hai đại dự án từng được kì vọng như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội và metro TP.HCM tiếp tục đội vốn và trì hoãn chưa rõ ngày hoàn thành.
Mãi cho đến cuối tháng 11 vừa rồi, Chính phủ mới trình được Quốc hội thông qua chủ trương các dự án lớn, điều đáng lẽ phải làm từ đầu nhiệm kỳ.
Những ách tắc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng có một phần nguyên nhân từ tình thế tiến thoái lưỡng nan của Chính phủ trong việc huy động vốn đầu tư.
Một mặt, trần nợ công gần chạm khiến Chính phủ bị “trói tay”, không thể đi vay nợ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Mặt khác, thực trạng "vỡ trận" của các mô hình BOT và BT thời gian qua khiến cho việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng trở nên nan thi.
Thế nhưng, bế tắc trong việc huy động vốn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nói một cách thẳng thắn, các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm cho sự yếu kém trong công tác thẩm định, chuẩn bị và thực thi dự án.
Đơn cử như dự án sân bay Long Thành, một trong những chủ đề nóng nhất trên diễn đàn Quốc hội vừa qua. Bộ Giao thông Vận tải đã có tới 10 năm để chuẩn bị cho một báo cáo nghiên cứu khả thi mà khi trình ra lại một lần nữa gây nên những tranh cãi và bức xúc trong công luận quanh con số 16 tỷ USD chi phí xây dựng sân bay Long Thành.
Vấn đề là, những số liệu được đưa ra, từ công suất hành khách dự kiến, chi phí suất đầu tư lại chỉ mang tính ước đoán, khiến cho những tranh luận về hiệu quả đầu tư trở nên vô nghĩa vì không có cơ sở khoa học nào.
Dư luận có quyền đặt dấu hỏi về năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước khi kết quả của 10 năm chuẩn bị là một báo cáo tiền khả thi đầy những lỗ hổng.
Những ách tắc về cơ sở hạ tầng, suy cho cùng, phản ánh rõ nét những ách tắc trong cải cách thể chế. Để chống thất thoát, tham nhũng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, thay vì cải cách thể chế, vốn đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, chúng ta đã lựa chọn con đường dễ dàng hơn, đó là xây dựng một hệ thống văn bản hành chính đồ sộ để siết chặt công tác quản lý đầu tư.
Giờ đây, một dự án đầu tư phải đối chọi với “ma trận” các quy định, thủ tục, với vô vàn tầng nấc và chữ kí. “Đúng quy trình” trở thành một nỗi sợ hãi đối với các doanh nghiệp và cơ quan đầu tư, vì chỉ cần thiếu một ý kiến từ một bộ ngành nào đó là dự án sẽ ách lại.
Thời gian cứ trôi đi, chi phí đầu tư, cùng với những chi phí cơ hội vô hình không thể đong đếm bằng tiền, cứ ngày một đội lên, khiến cho các dự án ngày càng trở nên đắt đỏ.
Với Luật đầu tư công được sửa đổi và sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, những ách tắc trong đầu tư công thời gian qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khi các quy trình, thủ tục đầu tư được đơn giản hóa và phân cấp trách nhiệm, dù 5 năm đã mất đi không thể lấy lại được.
Triển vọng kinh tế 2020
Triển vọng trước mắt và trong trung hạn là tích cực, vì như đã phân tích ở trên, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng. Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 đạt 6,8% nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 7% nếu kinh tế toàn cầu không đi vào suy thoái.
Những động lực tăng trưởng cho năm 2020 tiếp tục đến từ việc gia tăng tiêu dùng nội địa, giải ngân vốn FDI. Cú hích mới được chờ đợi là dòng vốn đầu tư công cho cơ sở hạ tầng được khơi thông nhờ luật Đầu tư công mới có hiệu lực.
Các cân đối vĩ mô tiếp tục được đảm bảo chừng nào Chính phủ không thay đổi ưu tiên chính sách, dù lạm phát có thể tăng nhẹ lên trên 3%. Đồng tiền Việt Nam vẫn giữ xu thế ổn định nhờ dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào.
Tuy nhiên, tương lai vẫn tiềm ẩn nhiều bấp bênh bởi những ẩn số khó đoán khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp và sẽ không có dấu hiệu ngưng chiến do bản chất cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường cho dù cái gọi là thỏa thuận giai đoạn một đã đạt được.
Làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ và EU đang thách thức nghiêm trọng sự tồn tại của các định chế thương mại tư do hiện tại như WTO và các FTAs.
Trong khi đó, với độ mở của nền kinh tế hiện tại, Việt Nam không thể miễn dịch với các cú sốc bên ngoài. Minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% năm 2017 xuống còn 8% năm 2019.
Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đó.
Đối diện với một tương lai nhiều rủi ro khó lường, chỉ có nội lực vững vàng mới đảm bảo cho Việt Nam sự phát triển ổn định và bền vững. Mà nội lực sẽ chỉ được cải thiện khi cải cách thể chế đi vào thực chất, để thực sự tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận