Kinh tế vào đà tăng trưởng, dự báo đạt khoảng 6%
GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục đà tăng trưởng từ quý IV/2023 và xuất hiện nhiều yếu tố tích cực.
Do tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn mới, nên dự báo năm nay, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%.
GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Ngày mai (23/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Cá nhân ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm nay?
Những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục đà phục hồi từ quý IV/2023 trên tất cả các “mặt trận”, tháng sau có xu hướng tốt hơn tháng trước. Đơn cử, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 tăng 0,8% so với tháng 3 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ đó, IIP 4 tháng đầu năm tăng 6%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 3%).
Điểm sáng nữa là thu hút FDI. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, với khoảng 970 dự án, tăng trên 73% về vốn và tăng gần 29% về số dự án so với 4 tháng đầu năm 2023.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng là điểm sáng với tổng kim ngạch đạt 238,88 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng trên 15%, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Đối với hoạt động ngoại thương của nước ta, xuất khẩu và nhập khẩu như đôi chân của cơ thể con người, năm nay rất mừng là “đôi chân” tiến rất đều, báo hiệu xu hướng xuất - nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng được coi là điểm sáng, thưa ông?
Trong 4 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt khoảng 115.907 tỷ đồng, tương đương 16,41% kế hoạch; đạt 17,46% nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Xét cả về số tuyệt đối, tốc độ giải ngân cũng như so với kế hoạch, nhiệm vụ, có thể nói, giải ngân vốn đầu tư công năm nay tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây chính là động lực tăng trưởng rất quan trọng.
Nhưng động lực tăng trưởng phải dựa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp?
Đúng vậy. Kinh tế muốn phát triển phải dựa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản xuất, kinh doanh chỉ phát triển được khi có thị trường tiêu thụ. Vì vậy, để tăng trưởng GDP, thường phải kích cầu tiêu dùng.
Đẩy mạnh đầu tư công không chỉ đơn thuần là kích cầu đầu tư, mà bản chất vẫn là kích cầu tiêu dùng. Đơn cử, Nhà nước bỏ ra 100.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng sẽ kéo theo hàng loạt ngành sản xuất khác phát triển, như khai thác vật liệu xây dựng, đá, cát, gạch, sỏi; sản xuất điện dân dụng, thiết bị vệ sinh; vận chuyển… Những hoạt động sản xuất này do khu vực tư nhân đảm nhận. Nhà nước bơm tiền qua đầu tư công sẽ tạo động lực để khu vực tư nhân bỏ vốn ra đầu tư, qua đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Khi người lao động có đủ việc làm, có thu nhập, thì cầu sẽ tăng. Như vậy, đầu tư công chính là một trong những hình thức kích cầu cả đầu tư của khu vực tư nhân và cầu tiêu dùng của xã hội.
Còn trên lý thuyết kinh tế học, đầu tư công đóng vai trò quan trọng, không chỉ đóng góp trực tiếp vào GDP, mà còn còn tạo ra những hiệu ứng tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống hạ tầng. Bằng việc đầu tư vào hạ tầng, cải thiện đường giao thông và các hoạt động đầu tư cho giáo dục, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, đầu tư công đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế.
Với những diễn biến thuận lợi như hiện nay, theo ông, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có đạt 6,5% như mục tiêu cao mà Quốc hội đặt ra?
Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,0 - 6,5%. Quý I năm nay, GDP tăng 5,66% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 và theo quy luật, ngoại trừ có đột biến hiếm khi xảy ra như đại dịch Covid-19, còn thông thường, tăng trưởng quý sau thường cao hơn quý trước. Tôi cho rằng, để tăng trưởng GDP năm nay đạt mức cận trên của mục tiêu (tăng 6,5%) thì hơi khó, nhưng nhiều khả năng sẽ tăng trưởng khoảng 6%.
Có thể thấy, dù nền kinh tế đang vào đà phát triển, nhưng không dễ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, do tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn mới, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau một thời gian tạm lắng, mới đây bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa vẫn chưa thể phục hồi như thời gian trước Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,5%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 13,3%) và tốc độ tăng bình quân của những năm trước đại dịch (khoảng 11%/năm). Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất từ trước đến nay, cho dù lãi suất cho vay đang ở mức thấp, cho thấy nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp rất thấp.
Hoạt động của khu vực tư nhân cũng là nội dung sẽ được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, khi 4 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng có 20.300 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong khi có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, lớn hơn số gia nhập.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận