Kinh tế Ukraine lung lay trước cuộc chiến kéo dài
Bế tắc xuất khẩu có thể là đòn chí mạng với kinh tế Ukraine, khi nước này tiêu tốn 5 tỷ USD mỗi tháng vì chiến sự.
Dù phải điều hành nền kinh tế thời chiến, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko lại tỏ ra rất lạc quan. Những tin tức về việc lực lượng Nga chiếm đóng hoặc phong tỏa các cảng chính của đất nước, khiến hầu hết doanh nghiệp tại Ukraine phải đóng cửa cũng không khiến ông mất bình tĩnh.
"Tình hình rất khó khăn, tôi sẽ không tránh né điều đó", ông nói khi ngồi trong một quán cà phê gần trụ sở làm việc, "Nhưng chúng tôi có thể xoay xở". Khi còi báo động một cuộc không kích vang lên, làm gián đoạn buổi phỏng vấn với The Economist, ông chỉ phớt lờ nó.
Có nhiều lý do để những người điều hành nền kinh tế nước này không hoảng sợ. Trước chiến sự, Ukraine tăng trưởng với tốc độ gần 7% mỗi quý. Dân số của họ không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và các mặt hàng xuất khẩu từ ngũ cốc đến sắt thép đều đang có giá tốt. Ngành ngân hàng của họ cũng được giám sát tốt và thâm hụt của chính phủ năm ngoái dưới 3% GDP.
Nợ của Ukraine trước khủng hoảng chỉ chưa đầy 50% GDP. Economist cho rằng đây là con số đáng mơ ước với hầu hết bộ trưởng tài chính. Hệ thống thuế và phúc lợi nơi đây được số hóa tốt. Các bộ phận trong nền kinh tế vẫn đóng góp ổn định cho ngân sách quốc gia.
Tất cả khoản lương hưu và lương của nhân viên chính phủ vẫn đang được trả, ngay cả ở những khu vực hiện bị Nga chiếm đóng. Điều này là nhờ hệ thống Internet và mạng 3G của Ukraine phủ khắp mọi nơi và không bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang trả lương cho nhân viên, ngay cả khi không thể hoạt động bình thường hoặc hoàn toàn không hoạt động. Bộ trưởng Serhiy Marchenko cho biết thuế tiền lương chỉ giảm 1%.
Tăng trưởng GDP Ukraine qua các năm và dự báo 2022. Đồ họa: The Economist
Nguồn thu từ hải quan đã giảm khoảng một phần tư so với mức trước xung đột, do nhập khẩu giảm và đình chỉ nhiều loại thuế. Chi tiêu cho quân sự là một gánh nặng lớn, dù cả khi vũ khí và đạn dược đang được phương Tây cung cấp miễn phí. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nộp thuế trên cơ sở tự nguyện.
Tất cả điều này đang khiến Ukraine tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng. Con số này tương đương 5% GDP bị mất qua mỗi tháng chiến sự. Ukraine đã in thêm tiền và phát hành trái phiếu thời chiến với lãi suất khoảng 11% - thấp hơn lạm phát. Tuy nhiên, hai giải pháp này vẫn không đủ. Nguồn thu chính phải đến từ nước ngoài.
Và đó là lý do ông Marchenko dành phần lớn thời gian trong ngày để vận động các chính phủ nước ngoài giúp đỡ. Mỹ là nơi ông đặt nhiều hy vọng nhất. Ngày 28/4, Tổng thống Joe Biden cho biết đang đề nghị Quốc hội Mỹ chấp thuận chi thêm 33 tỷ USD cho Ukraine.
Tuy nhiên, 20 tỷ USD trong số đó sẽ được chi để cấp thêm vũ khí cho Ukraine và các nước tuyến đầu khác. Chỉ khoảng 8,5 tỷ USD là hỗ trợ kinh tế. Số dư còn lại dành cho viện trợ nhân đạo. "Đó là một tin tốt", ông Marchenko nói. Nhưng gói tiền của Mỹ khi nào mới đến và giải ngân ra sao thì ông cũng chưa rõ.
IMF cũng đã vào cuộc giúp đỡ, nhưng dự kiến triển khai trong quý II. Còn thực tế, Ukraine đến nay chỉ mới nhận được tổng cộng 4,5 tỷ USD viện trợ, trong khi mức thiếu hụt tài chính là 15 tỷ USD.
Ông Marchenko thừa nhận rằng những giải pháp kể trên là không bền vững. Ông lo ngại rằng nếu cuộc chiến kéo dài hơn ba hoặc bốn tháng nữa, chính quyền sẽ phải áp dụng các biện pháp khắc khổ hơn như tăng thuế mạnh tay và cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó, nỗi sợ thực sự là sau nhiều năm nỗ lực phát triển nền kinh tế thị trường, chiến sự có thể kéo theo làn sóng quốc hữu hóa,kéo tụt những tiến bộ đã đạt được.
Một binh sĩ Ukraine sau cuộc giao tranh với lực lượng Nga ở ngoại ô Irpin tháng 3. Ảnh: Los Angles Times
Khó khăn đầu tiên đã dần lộ diện. Trên khắp đất nước, vụ mùa mới của lúa mì, lúa mạch, hướng dương cũng như các loại ngũ cốc và mặt hàng chủ lực khác đã được gieo xong 80%. Việc thu hoạch dự kiến sẽ không có nhiều trở ngại, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để xuất khẩu.
Sự hiện diện của hải quân Nga ở Biển Đen, cũng như việc hải quân Ukraine triển khai thủy lôi phòng thủ, đồng nghĩa Odessa - cảng chính của Ukraine - bị đóng cửa hoàn toàn. Hai cảng tương tự gần đó cũng chung số phận. Trong khi đó, cảng Berdyansk và Mariupol hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga. Trong nước, các kho dự trữ vẫn còn đầy ngũ cốc vụ đông mới thu hoạch, do tắc khâu xuất khẩu.
Thứ trưởng cơ sở hạ tầng Mustafa Nayyem được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề này. Nếu ngũ cốc không thể xuất khẩu bằng đường biển, sản phẩm này sẽ phải di chuyển bằng đường bộ và đường sắt, qua Ba Lan, Romania và Hungary, đến các cảng an toàn trên Biển Đen hoặc sông Danube. Tuy nhiên, giải pháp này không dễ dàng. Ông cho hay các tuyến đường không thể đáp ứng lưu lượng phương tiện chuyên chở cần thiết. Các cửa ngõ thay thế cũng có năng lực dự phòng hạn chế.
Và điều tệ nhất là thủ tục hải quan tại biên giới của Ukraine với EU rất chậm. Kiểm tra hải quan và kiểm dịch thực vật đã gây ra tình trạng ùn tắc xe đến 10 km. Vì Ukraine không phải là thành viên Liên minh châu Âu, khối này chỉ cho phép một lượng xe tải nhất định của họ vào EU.
Ukraine thì cho rằng nếu không tạo điều kiện xuất khẩu cho họ, chính châu Âu và thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng sau thời điểm thu hoạch vào tháng 9. "Chúng tôi cần mọi quốc gia ở châu Âu cho phép xe tải Ukraine tiếp cận miễn phí. Họ có vẻ không hiểu mình sẽ bị tác động bởi tình trạng thiếu lúa mỳ ra sao", Bộ trưởng Marchenko nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận